NATO Ả Rập: Liên minh 'chuyển lửa'

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran - có hiệu lực vào ngày 7-8, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế liên quan tới nước này.

Ngoài sức ép kinh tế, Washington mấy tháng qua còn lặng lẽ thúc đẩy thành lập một liên minh an ninh mới, với sự có mặt của 6 thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Qatar, Oman và 2 nước bên ngoài là Ai Cập, Jordan.

Có tên ban đầu là Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) và hay được báo giới gọi bằng biệt danh "NATO Ả Rập", khối này chống lại điều mà họ cho là "sự bành trướng của Iran trong khu vực".

Tuy nhiên, trong khi các thành viên NATO cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm thì liên minh các nước Hồi giáo Sunni kể trên bất đồng về nhiều vấn đề cơ bản, bao gồm cách đối xử với Iran. Ả Rập Saudi và UAE xem Tehran là kẻ thù không đội trời chung song Kuwait và đặc biệt là Oman từ trước tới nay vẫn giao hảo gần gũi với Iran.

Ý tưởng thành lập "NATO Ả Rập" xuất hiện lần đầu trong chuyến thăm Ả Rập Saudi của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5-2017. Ảnh: REUTERS

Ý tưởng thành lập "NATO Ả Rập" xuất hiện lần đầu trong chuyến thăm Ả Rập Saudi của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5-2017. Ảnh: REUTERS

Một trở ngại lớn hơn đối với "NATO Ả Rập" là sự tuyệt giao giữa một bên là UAE, Ả Rập Saudi, Bahrain và một bên là Qatar từ tháng 6-2017 tới nay, với lý do chủ yếu cũng vì Qatar "chơi" với Iran. Cuộc khủng hoảng này đẩy Mỹ vào thế khó bởi Qatar là nơi đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong khu vực, còn Ả Rập Saudi là khách hàng mua vũ khí Mỹ nhiều nhất thế giới.

Thực ra MESA giống như một ý đồ "chuyển lửa" của Mỹ, nhằm chuyển gánh nặng kiềm chế Iran lên vai các đồng minh Ả Rập. Kế hoạch này còn được Mỹ xem là chất xúc tác nhằm thúc đẩy các thương vụ vũ khí cho chính những nước trên. Nhưng oái oăm thay, "chuyển lửa" cũng là điều mà các đồng minh Ả Rập của Mỹ mong muốn. Không muốn hoặc không đủ lực đối đầu Iran trực diện, các nước Sunni này hy vọng "mượn tay" Mỹ hoặc thậm chí là Israel.

Sự xung đột từ trong trứng nước này khiến MESA dù có thành hình cũng không rõ sẽ đối đầu với Iran trên thực tế như thế nào. Để được xem là thành công, họ phải ngăn được Iran hiện diện quân sự lâu dài ở Syria, đánh bại phiến quân Houthi dòng Shiite để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi ở Yemen, lập được một lá chắn tên lửa bao phủ Trung Đông...

Thế nhưng, trừ khi những rạn nứt giữa các thành viên tiềm năng được lấp đầy và đạt được thỏa thuận chính trị về chia sẻ gánh nặng, kế hoạch "chuyển lửa" của chính quyền ông Trump khó thành hiện thực.

Maysam Behravesh, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Trường ĐH Lund (Thụy Điển)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/lien-minh-chuyen-lua-20180822195917265.htm