NATO 70 tuổi và tương lai rạn vỡ

Sau 70 năm thành lập, NATO đang vấp phải những vấn đề rất lớn mà khối này khó có thể giải quyết trong thời gian tới.

NATO vừa kỷ niệm 70 năm thành lập, nhìn lại khoảng thời gian này người ta thấy rằng, hiện đang có một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ NATO. Nhiều thành viên không đồng thuận với các quyết định chiến lược của khối (mà đa phần xuất phát từ những quyết định đơn phương của Mỹ), điều này đe dọa thực sự dẫn đến "cái chết não", mà tổng thống Pháp Macron đã từng đề cập đến.

Trong các nước NATO thuộc Liên minh châu Âu (EU), Emmanuel Macron là người duy nhất có can đảm thừa nhận NATO không còn có thể thích ứng với những thay đổi quốc tế và điều này buộc 29 quốc gia liên minh phải suy nghĩ lại về chính sách quốc phòng của mình.

Tuy nhiên, NATO không thích sự thật, và một lần nữa tỏ ra yếu đuối, chọn cách thức tránh đối mặt trước các vấn đề hiện hữu, hoãn lễ kỷ niệm 70 năm sang ngày muộn hơn, biến hội nghị thượng đỉnh ngày 4 tháng 12 ở London thành một bữa tiệc ngày lễ thông thường, và sẽ không giải quyết được vấn đề chia rẽ ngày càng tăng trong Liên minh.

Sự chia rẽ vì những áp đặt của Mỹ

Các nhà lãnh đạo NATO không thích Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông chủ của Nhà Trắng nhiều lúc có những phát ngôn kiểu “chợ búa”, thậm chí có lúc còn hàm ý NATO như là chư hầu của Mỹ. Minh chứng gần nhất cho điều này là scandal “nói xấu” ông Trump của giới lãnh đạo các nước NATO, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở London hôm 03 và 04 vừa qua.

Ngoài sự đồng thuận tuyệt đối của Anh, các đồng minh NATO chủ chốt của Mỹ ở châu Âu như Đức, Pháp đều không ưa thích cái cách đối xử với đồng minh của ông Trump, điển hình là trong việc ép đồng minh trả thêm tiền “bảo kê” và ép đồng minh mua vũ khí Mỹ.

Mới đây, Tổng thống Pháp Macron đã thẳng thừng cảnh cáo Mỹ không được biến Điều 5 trong Hiến chương NATO thành “Điều F-35”, nhắc nhở Washington không được ép buộc các đồng minh mua vũ khí của mình. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng tuyên bố Mỹ không có quyền gì can thiệp vào phân bổ ngân sách quốc gia của Đức và bỏ ngoài tai những đe dọa của ông Trump về Dòng chảy Phương Bắc 2. Hai vị nguyên thủ Pháp-Đức còn tỏ thái độ “không hoan nghênh” sự hiện diện của Mỹ trong “Bộ tứ Norman”.

NATO hiện nay đang hiện hữu những bất đồng nghiêm trong nhất trong nhiều thập kỷ qua

Rõ ràng là những bất đồng này không đại diện cho cho quan điểm xuyên suốt các đời lãnh đạo của Đức và Pháp đối với Mỹ, mà nó chỉ là sự bất mãn của họ với những vấn đề phát sinh khi ông Trump lên nắm quyền. Nếu ông Trump thắng cử một nhiệm kỳ nữa, quan hệ giữa 3 đồng minh lớn nhất NATO sẽ xấu đi nghiêm trọng.

Sự chia rẽ từ vấn đề tiền bạc

Ông Donald Trump đã nhiều lần nhấn mạnh sự thờ ơ của ông đối với NATO và nói rõ ông chỉ quan tâm đến việc duy trì tổ chức với điều kiện Canada và các thành viên châu Âu của liên minh tăng chi phí quân sự theo yêu cầu của tổ chức, nếu không các nước này đừng hòng mong chờ vào cái ô bảo vệ của Mỹ.

Tuy nhiên, báo cáo mới đây nhất của NATO cho biết, chỉ có 3 nước EU tăng chi tiêu quân sự lên mức 2% GDP cần thiết (Hy Lạp, Estonia, Anh), 4 nước khác đang tiếp cận mục tiêu (Litva, Latvia, Ba Lan, Romania), 21 quốc gia (bao gồm cả Italia với vẻn vẹn 1,15 %) còn rất cách xa mục tiêu.

Thậm chí là mới đây, ông Trump còn đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những đồng minh không chi đủ 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Liệu cơn địa chấn này có xảy ra hay không, khi trong danh sách đen của Mỹ có cả những đồng minh gạo cội như Đức, Pháp và Italia?

Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ trở thành cơn địa chấn không chỉ với NATO mà còn trên toàn thế giới, có thể trở thành phát súng kết liễu sự đoàn kết của khối liên minh quân sự già cỗi này.

Sự chia rẽ trong quan điểm về Nga-Trung Quốc

Các đồng minh châu Âu rõ ràng có bất đồng về những quyết định chiến lược quan trọng. Ngoài tuyên bố “NATO đang chết não”, những công lao lớn nhất của Emanuel Macron còn là việc ông mang đến hội nghị thượng đỉnh Luân Đôn câu hỏi về mối quan hệ với Nga – quốc gia mà 30 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ – vẫn được coi là kẻ thù chính của NATO.

Scandal các lãnh đạo NATO “nói xấu” Tổng thống Mỹ Donald Trump

Quan điểm chính trị lỗi thời không cho phép NATO thừa nhận mối nguy hiểm do Trung Quốc gây ra, khi mà Bắc Kinh sẵn sàng thống trị châu Âu không chỉ về mặt thương mại, kinh tế, mà còn về cả quân sự, và cuộc gặp London khó có thể thay đổi điều này, mặc dù thực tế Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hứa hẹn sẽ mổ xẻ vấn đề "hậu quả sự bành trướng của Trung Quốc".

Khó có khả năng trong hội nghị thượng đỉnh, các quốc gia sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng về chính trị và chiến lược của “mối đe dọa Nga”, đã bị thổi phồng sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Chủ đề này cũng đang gây chia rẽ Hoa Kỳ. Bộ máy công nghiệp quân sự Mỹ coi Nga là mối đe dọa ưu tiên, tuy nhiên nó gặp phải sự hoài nghi của Tổng thống Donald Trump, người không coi Nga là như vậy.

Một sự chia rẽ tương tự đang diễn ra trong liên minh châu Âu. Nước Đức, để duy trì vị trí hàng đầu của mình ở Đông Âu, tiếp tục ủng hộ tuyên bố của những quốc gia, như Ba Lan chẳng hạn, coi việc chống lại Nga và sự hiện diện răn đe của 4000 quân nhân NATO ở Ba Lan và các nước Baltic là cần thiết vì lý do lịch sử.

Nhưng quan điểm này hiện giờ bị Pháp phản đối, quyết định đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine. Không phải ngẫu nhiên mà 5 ngày sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 9 tháng 12, tổng thống Macron sẽ gặp Putin và Zelensky. Tại cuộc họp, ông hứa sẽ thiết lập đối thoại và làm thay đổi tình cảm chống Nga trong NATO.

Trước đó, một sự thay đổi mạnh mẽ trong đường lối chính trị của Macron đã được đưa ra bằng quyền phủ quyết khi Albania và Bắc Macedonia bắt đầu đàm phán về việc gia nhập vào EU, và việc từ chối Macedonia gia nhập NATO, đã được coi là gây căng thẳng với Berlin.

Sự chia rẽ vì “con ngựa bất kham” Thổ Nhĩ Kỳ

Nội bộ Liên minh chia rẽ hơn nữa với Thổ Nhĩ Kỳ, mà mới thời gian gần đây được coi là nền tảng chính của NATO đối đầu với Nga ở mặt trận phía đông. Nhưng giờ đây, Ankara không có kế hoạch đảm nhận vai trò này.

Nếu không có sự cải tổ mạnh mẽ, NATO có thể tan rã?

Chính quyền Ankara sẵn sàng mua từ Moscow các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa S-400 Triumph, giảm nguồn cung vũ khí từ các đối tác nước ngoài, bất chấp việc có thể bị Mỹ trừng phạt bằng cách loại khỏi chương trình F-35 Lightning II. Nước này cũng quyết tâm gắn bó với Nga bằng tuyến đường ống dẫn khí “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (Turkstream) và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.

Và một lần nữa, chỉ có ông Macron mới mạnh dạn phát biểu rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ với NATO trong cuộc tấn công vào người Kurd ở Syria. Nước này còn buông lời dọa dẫm với cả Liên minh châu Âu về vấn đề người tị nạn, thách thức Mỹ về vấn đề nhân quyền.

Với những vấn đề lớn như vậy chưa được giải quyết, NATO trước ngày sinh nhật thứ 70 của mình, nếu không phải bị “chết não”, thì chắc chắn cũng đã gặp phải tình trạng bất đồng chính trị khá nặng nề và không có khả năng cải thiện trong thời gian tới.

NATO đang trên con đường tan rã, nếu không có sự cải tổ mạnh mẽ và phân chia lại quyền lực.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nato-70-tuoi-va-tuong-lai-ran-vo-3392872/