National Interest: Đừng biến Nga thành kẻ thù, bị ruồng bỏ

Phương Tây đã từng biến Nga thành con 'ngáo ộp' trong lịch sử và đang cố gắng làm điều nguy hiểm đó một lần nữa.

Bài báo phân tích của National Interest mới đây đã đề cập đến chính sách của phương Tây đang áp dụng với Nga là biểu hiện của tư tưởng biến nước này thành "hạ đẳng" và có thể gặp nguy hiểm vì điều này.

Phương Tây nên dừng lại chính sách trừng phạt Nga. Ảnh: National Interest

Phương Tây nên dừng lại chính sách trừng phạt Nga. Ảnh: National Interest

Theo đó, tờ báo này cho rằng phương Tây nên rút ra bài học từ những nỗ lực tương tự đã xảy ra trong quá khứ khi các nước tư bản áp dụng vào "buổi bình minh của Liên Xô".

Khi đó, Moscow đã tìm cách phá vỡ sự phong tỏa của châu Âu nhờ Hiệp ước Rappalo với Đức và tờ báo đánh giá thỏa thuận này là chiến thắng đầu tiên của nền ngoại giao Liên Xô.

Hiệp ước Rapallo được ký kết vào tháng 4/1922 được National Interest đánh giá là "một dấu ấn không thể phai mờ về tương lai của châu Âu". Hiệp ước đã từ bỏ các yêu sách lãnh thổ và tài chính khắt khe của các Hiệp ước trước đó như Hiệp ước Brest-Litvosk và Versailles. Các Hiệp ước trước đó đã khiến chính quyền ở Moscow mất một vùng lãnh thổ rộng 750.000 km² (chiếm 26% tổng diện tích lãnh thổ thuộc châu Âu của nước này), hơn 50 triệu dân trong đó có khoảng 1/5 chiều dài đường sắt, hơn 70% sản lượng sắt và 90% sản lượng than của cả nước.

Nhà ngoại giao và sử học Mỹ George Kennan cho rằng, mục tiêu chiến lược theo quan điểm của Liên Xô tại Rapallo là nhằm tách Đức khỏi các đồng minh phương Tây để đi đến một thỏa thuận ngoại giao riêng.

Cũng vì các đồng minh phương Tây nỗ lực trừng phạt ngoại giao Đức thông qua các Hiệp ước Versailles và Genève, chính phương Tây đã vô tình đẩy người Đức trực tiếp vào tay Liên Xô.

Kết quả là, Hiệp ước Rapallo là chiến thắng ngoại giao đầu tiên của Liên Xô. Tuy nhiên, bài học lớn hơn có thể thu được từ Rapallo, đó là thông qua sự khinh miệt hoàn toàn đối với vai trò của Đức trong Thế chiến I và mong muốn trừng phạt Đức đã làm các đồng minh phương Tây giúp cung cấp nền tảng cho một môi trường chống lại phương Tây được ủng hộ bởi Liên Xô.

Tờ tạp chí Mỹ đề cập đến tình hình của thế giới hiện đại cũng có sự tương đồng.

Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và các bằng chứng từ việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 khiến châu Âu và Mỹ tích cực tung đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Cùng các lệnh trừng phạt, việc giảm giá dầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến cả các tổ chức tài chính Nga và ngành năng lượng và sau đó là công dân Nga.

Các chính sách dồn ép đã khiến Nga thành lập một liên minh quân sự Nga- Trung, tạp chí Mỹ bình luận. Việc này hoàn toàn có thể gây ra mối quan ngại đáng kể như trong lịch sử.

Do đó, các quốc gia châu Âu cần tìm đến cơ hội củng cố mối quan hệ liên kết với Nga thay vì càng gây áp lực tối đa "chống Nga" và gây ra những hậu quả khiến quốc gia này có thể tương tự như Đức ở thế kỷ trước.

"Các quốc gia Tây Âu và Nga nên tìm kiếm cơ hội củng cố mối quan hệ liên kết họ trong khuôn khổ quan hệ đối tác và cộng đồng châu Âu” - tạp chí Mỹ nhận định.

“Châu Âu nên bắt đầu thức tỉnh, các nước phương Tây nên một lần nữa khám phá ảnh hưởng phổ quát của tác phẩm Dostoevsky, Tolstoy, Turgenev, Gorky và những người khác” – bài viết trên National Interest lưu ý.

Trong khi đó, Mỹ cũng cần phải thay đổi tầm nhìn về Nga, cần phải hiểu rằng Moscow sẽ không gây ra đe dọa quân sự trực tiếp cho Washington.

"Ý tưởng này lần đầu tiên được đưa ra bởi George Kennan (nhà ngoại giao Mỹ, một trong những kiến trúc sư của Chiến tranh Lạnh, tác giả lý thuyết răn đe) từ thời Chiến tranh thế giới II, khi ông vạch ra khác biệt rõ ràng giữa mối đe dọa ý thức hệ của Liên Xô và Stalin với mối đe dọa quân sự từ Hitler và chủ nghĩa phát-xít” - bài viết nêu rõ.

Nhận thức sự khác biệt này chắc chắn sẽ giảm khả năng diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/national-interest-dung-bien-nga-thanh-ke-thu-bi-ruong-bo-3398948/