NATIF chung tay cùng doanh nghiệp nâng tầm chất lượng nước dừa Bến Tre

Thành công của việc triển khai dự án đã giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm từ dừa hòa nhập và cạnh tranh công bằng với các nước trong khu vực, khẳng định giá trị trái dừa của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong những năm qua, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Tên giao dịch quốc tế là National Technology Innovation Fund, viết tắt là NATIF) đã góp phần hỗ trợ ươm tạo công nghệ; ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giải mã công nghệ.

Ngoài ra, quỹ cũng đã hợp tác đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích theo Luật Chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Mới đây, NATIF đã tổ chức nghiệm thu Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói tetra-pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” vào ngày 7/11/2020 vừa qua. Dự án được Quỹ giao cho Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới – Bến tre là đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp chuyển giao công nghệ là Viện Ứng dụng Công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tham dự buổi nghiệm thu, ngoài thành phần hội đồng cấp nhà nước còn có ông Phan Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, ông Nguyễn Đình Bình, giám đốc Quỹ, ông Nguyễn Phú Hùng, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ, ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới.

Thay mặt nhóm triển khai dự án, TS. Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KH&CN, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH&CN) – đã báo cáo tóm tắt quá trình triển khai và các kết quả đạt được từ dự án. Đồng thời, thông qua đó đề xuất các kiến nghị và giải pháp để tiếp tục giúp cho doanh tiếp tục đổi mới hoàn thiện nhằm không ngừng nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm.

TS. Nguyễn Phương thay mặt Nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các hoạt động và kết quả nghiên cứu của Dự án

TS. Nguyễn Phương thay mặt Nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các hoạt động và kết quả nghiên cứu của Dự án

Đánh giá các kết quả đạt được của dự án, thay mặt hội đồng PGS.TS. Lê Đức Mạnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của nhóm thực hiện. Hội đồng đánh giá kết quả của Dự án có ý nghĩa thực tiễn to lớn, cung cấp được ra thị trường trong và ngoài nước dòng sản phẩm nước dừa chất lượng cao cho ngành thực phẩm.

Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng từ trái dừa, thúc đẩy việc trồng dừa tại Bến Tre nói riêng và vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long nói chung, góp phần ổn định sinh thái bền vững nông thôn và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam, vấn đề đang được thế giới quan tâm.

Về hiệu quả kinh tế, dây chuyền sản xuất chế biến và đóng gói tetra-pak cho sản phẩm nước dừa của Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới đến nay đã cho tiêu thụ 75 triệu trái dừa/năm, chiếm 13% tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh Bến Tre, góp phần tăng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp từ 132 tỷ năm 2013, lên 838 tỷ năm 2016 và đạt 1.200 tỷ năm 2019.

Thành công của việc triển khai dự án đã giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm từ dừa hòa nhập và cạnh tranh công bằng với các nước trong khu vực, khẳng định giá trị trái dừa của Việt Nam trên trường quốc tế. Với phương châm: “Đổi mới tư duy – Hành động hiệu quả”, kết quả dự án đạt được khẳng định khả năng tiếp cận, làm chủ công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam nói chung và Viện Ứng dụng Công nghệ nói riêng.

Đồng thời, cho thấy một mô hình điển hình trong liên kết 04 nhà: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Dự án đạt được kết quả ngày hôm nay, không thể thiếu được sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp lãnh đạo, sở, ban, ngành tỉnh Bến Tre và đặc biệt là sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ KH&CN, Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng công nghệ đồng hành cùng Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung. Việc thực hiện thành công đổi mới công nghệ, tìm kiếm, giải mã công nghệ cao áp dụng vào sản xuất hướng tới mục tiêu: “Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm từ dừa, giảm thiểu xuất khẩu dạng thô các chế phẩm từ dừa” thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội cho đất nước.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, trong những năm vừa qua NATIF đã tài trợ không hoàn lại một phần hoặc toàn phần cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Lưu Điệp

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/natif-chung-tay-cung-doanh-nghiep-nang-tam-chat-luong-nuoc-dua-ben-tre-273332.html