NASA vẫn tin dùng tàu Soyuz, nhiệm vụ không gian bị hoãn

Sự cố khi phóng tàu Soyuz MS-10 khiến nhiệm vụ kiểm tra lỗ thủng tàu Soyuz MS-09 bị ảnh hưởng.

Ngày 12/10, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố sẽ vẫn sử dụng tàu vũ trụ Soyuz của Nga sau sự cố cất cánh với tàu vũ trụ Soyuz MS-10 tại Kazakhstan trước đó một ngày.

Giám đốc NASA Jim Bridenstine và Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin

Giám đốc điều hành của NASA Jim Bridenstine phát biểu tại Moscow, bày tỏ tin tưởng vào độ an toàn của tàu vũ trụ Soyuz do Nga chế tạo, đồng thời hy vọng các phi hành gia Mỹ có thể bay vào không gian bằng các con tàu này.

Người đứng đầu NASA cũng tin chắc rằng nhiệm vụ đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ diễn ra đúng như kế hoạch vào tháng 12 tới, đồng thời đề cao mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Mỹ và Nga trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Giám đốc Jim Bridenstine cho rằng, sự cố của con tàu vũ trụ vừa rồi cho thấy tầm quan trọng của việc có nhiều hơn một phương án để đưa người lên không gian.

Được biết, Mỹ đang ráo riết triển khai nghiên cứu chương trình tên lửa để đưa tàu vũ trụ có người lái vào không gian.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) - ông Dmitry Rogozin ngày cho biết 2 nhà du hành vũ trụ vừa vượt qua qua sự cố tên lửa đẩy Soyuz sẽ thực hiện chuyến bay lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào mùa Xuân năm 2019.

Theo vị Giám đốc Roscosmos, Nga đã mở một cuộc điều tra liên quan đến vụ việc.

Ủy ban điều tra của Nga cho biết một cuộc điều tra hình sự sẽ tìm cách xác định xem các quy định an toàn có bị vi phạm hay không, điều đã gây ra những thiệt hại lớn. Mọi chuyến bay tương lai sẽ tạm hoãn cho tới khi cơ quan chức trách tìm ra được nguyên do vụ tai nạn.

Hai phi hành gia trên tàu vũ trụ Soyuz MS-10 đang được chăm sóc sức khỏe.

Thông tấn TASS dẫn lời Giám đốc điều hành các chương trình không gian Sergei Krikalyov cho biết, chương trình không gian trên Trạm ISS buộc phải trì hoãn bởi thiếu nhân lực.

Trong chương trình mà hai nhà phi hành gia lần này sẽ thực hiện khi lên Trạm ISS là đi bộ ra ngoài không gian để kiểm tra lỗ khoan thủng trên tàu không gian Soyuz MS-09 đang neo đậu trên Trạm ISS hồi tháng trước.

Dự kiến cuộc đi bộ ra ngoài không gian do hai nhà du hành vũ trụ người Nga Alexei Ovchinin và Sergei Prokopyev đảm nhiệm vào ngày 11/15. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra này đã bị hoãn lại vì sự cố vừa qua không thể đưa ông Alexei Ovchinin lên Trạm ISS đúng thời hạn.

"Chương trình bay giờ đây sẽ bị hoãn lại và sửa đổi" - ông Krikalyov nói.

Giám đốc điều hành các chương trình không gian Sergei Krikalyov

Chuyến bay tiếp tế tiếp theo lên ISS dự kiến vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, chuyến bay của tàu vũ trụ không người lái Progress (Tiến bộ) chở thực phẩm và đồ tiếp tế lên ISS sẽ phải hoãn lại do cũng sử dụng tên lửa đẩy Soyuz-FG như Soyuz MS-10.

Hãng tin Interfax ngày 12/10 dẫn một nguồn tin gần gũi với cuộc điều tra của Nga cho biết một chiếc van hỏng đã khiến tầng thứ nhất của tên lửa đẩy Soyuz-FG trục trặc mặc dù chiếc van này đã được kiểm tra đúng trước khi phóng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được báo cáo toàn bộ sự việc. Thư ký Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin khi nghe tin đã nói: "Cảm ơn Chúa, các phi hành gia còn sống".

Đội cứu hộ tìm thấy hai phi hành gia sau khi đáp đất.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu – hiện đang có nhà du hành vũ trụ Alexander Gerst trên ISS, cho biết trong một tuyên bố rằng, "quá trình phóng bị hủy bỏ này sẽ ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch chương trình không gian trong tương lai gần".

Trước đó, ngày 11/10, tàu vũ trụ Soyuz MS-10 đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Sự cố xảy ra khi tầng thứ 1 và 2 của tên lửa đẩy tách rời ra ngay sau khi được phóng lên.

Đây là sự cố phóng tên lửa nghiêm trọng đầu tiên mà phi hành đoàn tàu Soyuz gặp phải kể từ năm 1983 - thời điểm xảy ra vụ nổ ngay tại bệ phóng.

Khoang tàu Soyuz MS-10 mang theo 2 phi hành gia xuống mặt đất.

Đoạn video ngắn cho thấy khoang lái của hai phi hành gia đã rung lắc dữ dội vào thời điểm lỗi được báo về.

Không lâu sau, NASA tuyên bố hai phi hành gia phải thực hiện "hạ cánh đạn đạo" – phương thức hạ cánh khẩn cấp, khiến khoang lái đam thẳng xuống đấp với một góc nhọn hơn bình thường, với lực G cực lớn không khác gì một viên đạn. Khoang lái tách với tên lửa đang gặp vấn đề, lao xuống và bung dù, đưa hai phi hành gia đáp đất.

Sau vụ tai nạn, nhiều người lo lắng cho những chuyến hành trình tương lai. Ít nhất vẫn có một tin vui: hệ thống thoát hiểm hoạt động hiệu quả, phi hành đoàn trở về an toàn.

Clip tàu vũ trụ Soyuz MS-10 gặp trục trặc khi đang lên Trạm ISS

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/nasa-van-tin-dung-tau-soyuz-nhiem-vu-khong-gian-bi-hoan-3367209/