NASA tiết lộ khả năng xảy ra siêu sóng thần ở Alaska

NASA đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy một sườn núi không ổn định ở Alaska. Các chuyên gia cảnh báo nó có thể gây ra một trận siêu sóng thần với sức tàn phá lớn.

Ảnh vệ tinh chụp vịnh Barry Arm và vịnh Harriman ở phía nam Alaska. Ảnh: Đài quan sát Trái đất NASA

Ảnh vệ tinh chụp vịnh Barry Arm và vịnh Harriman ở phía nam Alaska. Ảnh: Đài quan sát Trái đất NASA

Theo thông báo của nhóm nghiên cứu gồm 14 nhà khoa học trên website của Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên Alaska, sườn núi có nguy cơ cao nằm phía trên vịnh nhỏ tên Barry Arm ở ven biển phía nam Alaska, cách Anchorage 97km về phía đông. Sườn núi này được chống đỡ một phần bởi sông băng Barry. Nhưng sông băng đã thu hẹp đáng kể trong thập kỷ qua khiến sườn núi trở nên bất ổn.

Sự thu hẹp của sông băng tạo ra điều kiện hoàn hảo để sườn núi vốn đang dịch chuyển chậm rãi xuống dốc, sụp đổ đột ngột, tạo lở đất có khả năng sản sinh sóng thần cực mạnh cao hàng trăm mét dọc bờ biển vịnh Barry Arm và vịnh Harriman cạnh đó. Trong khi thời gian diễn ra thảm họa như vậy rất khó dự đoán chính xác, các nhà khoa học ước tính nó chắc chắn sẽ xảy ra trong vòng 20 năm tới.

Chunli Dai, nhà khoa học ở Đại học Ohio, thành viên của nhóm nghiên cứu, đã sử dụng ảnh vệ tinh trong chương trình Lansat do Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và NASA đồng quản lý để xác định sườn núi phía trên vịnh Barry Arm không ổn định và có thể gây ra một trận siêu sóng thần.

“Với góc nhìn rộng hơn từ vệ tinh Landsat, chúng tôi đã không bỏ sót sự dịch chuyển của sườn núi. Bạn có thể thấy toàn bộ vùng núi giữa sông băng Cascade và sông băng Barry sụt dần xuống nước”, Dai nói và đề cập đến việc so sánh các hình ảnh vệ tinh được chụp vào năm 2013 và 2016.

Từ năm 2010 đến năm 2017, sườn núi di chuyển về phía trước khoảng 122m mặc dù trong 3 năm qua nó chỉ xê dịch nhẹ. Khi so sánh ảnh chụp từ vệ tinh Landsat vào năm 2013 và 2019 do Đài quan sát Trái đất của NASA công bố, các nhà nghiên cứu quan sát thấy sự xuất hiện của một đường dốc - một dải địa hình được xác định rõ ràng nơi lở đất do sạt lở đất ở sườn núi. Đường dốc này có màu sắc nhạt hơn so với những vùng xung quanh trong ảnh, giúp đánh dấu các cạnh của sườn núi không ổn định.

Theo nhóm nghiên cứu, sườn núi bắt đầu di chuyển xuống dốc cách đây 50 năm, nhưng tốc độ của quá trình tăng nhanh trong khoảng năm 2009 - 2015, khi rìa trước của sông băng Barry thu hẹp dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học đã phát hiện sườn núi bắt đầu di chuyển xuống dốc cách đây khoảng 50 năm, nhưng quá trình này đã tăng tốc đáng kể từ năm 2009-2015, khi rìa trước của sông băng Barry thu hẹp. Theo nhóm nghiên cứu, sự thu hẹp của sông băng có liên quan đến biến đổi khí hậu và được nhìn thấy rõ ràng trong các bức ảnh vệ tinh.

Nhà địa chất Bretwood Higman, một thành viên khác của nhóm cho biết: “Sườn núi có thể dịch chuyển ngày càng nhanh vì sông băng nâng đỡ phần đáy đã thu hẹp. Khi nhiệt độ ấm lên khiến cho lớp băng đó rút đi, nó có thể sụp đổ đột ngột”.

Long Hải

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nasa-tiet-lo-kha-nang-xay-ra-sieu-song-than-o-alaska-25657.html