NASA tham vọng 'cứu thế giới' khỏi thảm họa Yellowstone

Với dự án của NASA, núi lửa sẽ được làm mát và tạo ra năng lượng tích cực, tuy nhiên cũng có những nguy cơ tiềm tàng.

Các nhà khoa học của NASA vừa qua đã lên một dự án nhằm ngăn ngừa thảm họa có tính chất đe dọa sự sống loài người - sự phun trào của siêu núi lửa yellowstone.

Brian Wilcox của Phòng thí nghiệm Phản lực của NASA (NASA’s Jet Propulsion Lab) giải thích với BBC rằng Cơ quan Vũ Trụ Mỹ (US Space Agency) lên kế hoạch "khoan đến 10km xuống núi lửa và bơm nước xuống với áp lực lớn", như thế có thể giảm nhiệt núi lửa và ngăn chặn nguy cơ phun trào.

Ông Wilcox còn ước tính kinh phí cho dự án này là 3.46 tỷ USD, một con số khổng lồ, tuy nhiên nó cũng có thể mang lại các cơ hội đầu tư thú vị.

Theo ông Wilcox, vì bản thân núi lửa "hiện nay đang tỏa ra 6GW nhiệt", có thể chuyển hóa thành những nhà máy địa nhiệt có sức tạo ra điện năng với giá cực kì cạnh tranh là vào khoảng 0.10 USD/kWh

"Nếu liên kết với các công ty địa nhiệt, họ sẽ có động lực để đào sâu hơn và sử dụng nước nóng hơn bình thường, và dự án cũng nhận được vốn đầu tư ban đầu. Năng lượng từ Yellowstone dự kiến đủ cung cấp điện năng cho cả vùng lân cận trong hàng nghìn năm. Và lợi ích lâu dài là chúng ta sẽ ngăn chặn được một vụ phun trào núi lửa có khả năng làm nhân loại tuyệt chủng" - ông giải thích.

Miệng siêu núi lửa Yellowstone. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, dự án này cũng có những nguy cơ, đặc biệt trong quá trình khoan sâu vào lòng núi lửa. "Chỉ sơ sót từ chủ quan hay thiếu tính toán hoặc dự trù dự án cũng có thể dẫn đến sự phun trào mà các nhà khoa học đang cố phòng tránh" - Brian Wilcox cho biết.

Theo BBC ước tính, một vụ phun trào siêu núi lửa có thể gây ra một kỷ băng hà kéo dài nhiều năm, kết quả là mùa màng thất thu khiến nhân loại đứng trên bờ vực đói nghèo vì dự trữ lương thực trên toàn thế giới theo ước tính năm 2012 của Liên Hợp Quốc thì chỉ đủ dùng trong 74 ngày.

Siêu núi lửa Yellowstone nằm dưới công viên quốc gia cùng tên thuộc các bang Wyoming, Montana và Idaho của Mỹ. Các nhà nghiên cứu địa chất khẳng định, lượng mắc-ma khổng lồ trong lòng núi lửa đủ khả năng xóa sổ nước Mỹ, đồng thời đẩy nhân loại vào tình thế khốn cùng.

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học làm việc tại Đại học Utah, túi mắc-ma của Yellowstone dài 88 km, rộng 48 km và sâu 14,4 km. Nó lớn gấp 2,5 lần các con số mà giới khoa học ước tính trước đây. Nếu siêu núi lửa đột ngột tỉnh giấc, nó sẽ làm biến đổi khí hậu toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của loài người trên trái đất.

Các nhà khoa học cho biết, Yellowstone hoạt động theo chu kỳ 800.000 năm/lần. Nó từng phun trào cách đây 2,1 triệu năm, 1,3 triệu năm và 640.000 năm trước. Trong lần phun trào gần nhất, Yellowstone tạo ra đám mây bụi dày đặc, bao phủ toàn bộ khu vực Bắc Mỹ, làm biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đình Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/nasa-tham-vong-cuu-the-gioi-khoi-tham-hoa-yellowstone-3366865/