NASA: Mỹ không còn cần Sojuz Nga để bay vào vũ trụ

Nhưng dù thế nào chăng nữa, sớm hay muộn thì cả hai tàu Mỹ sẽ được cấp chứng chỉ bay. Nếu không phải là năm sau, thì vào năm 2022.

Nhân đọc bài “NASA thừa nhận phụ thuộc Nga để vào vũ trụ” (DVO,16/11/2019), xin giới thiệu thêm bài viết mới của chuyên gia quân sự Vladimir Tuchkov cũng về chủ đề này cung cấp một số thông tin mới nhất liên quan đến các chương trình vũ trụ Mỹ- Nga để tham khảo. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 16/11/2019.

Phóng tên lửa đẩy “Soyuz-FG” mang tàu vũ trụ có người lái “Soyuz MS-13” từ Bãi phóng Gagarin” Sân bay vũ trụ Baikonur. Trên tàu là các thành viên của phi hành đoàn chính chuyến thám hiểm kéo dài 60/61 trên ISS, ngày 20 tháng 7 năm 2019 (Ảnh: Sergey Savostyanov / TASS)

Phóng tên lửa đẩy “Soyuz-FG” mang tàu vũ trụ có người lái “Soyuz MS-13” từ Bãi phóng Gagarin” Sân bay vũ trụ Baikonur. Trên tàu là các thành viên của phi hành đoàn chính chuyến thám hiểm kéo dài 60/61 trên ISS, ngày 20 tháng 7 năm 2019 (Ảnh: Sergey Savostyanov / TASS)

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa tuyên bố là rất, rất không lâu nữa, các phi hành gia vũ trụ Mỹ sẽ bay lên trạm ISS bằng tàu vũ trụ của Mỹ. Nhờ vậy mà nước Mỹ không còn chịu chấp nhận “một thực tế tệ hại” là phải trả cho Nga những khoản tiền khổng lồ để được “bay nhờ” lên ISS.

NASA thừa nhận phụ thuộc Nga để vào vũ trụ

Hơn nữa, cái "rất sớm" này sẽ đến, theo đúng thang tiêu chuẩn vũ trụ, - tức là "chỉ một số ngày tới". Và đây là những gì mà ông (M.Pence) đã nói khi phát biểu trước đông đảo cử tọa tại Trung tâm nghiên cứu Ames ở California: "Trước mùa xuân năm sau, chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh các phi hành gia người Mỹ trên tàu vũ trụ Mỹ- phóng từ lãnh thổ Mỹ bay vào không gian vũ trụ".

Vì do không có bất kỳ thông tin cụ thể nào được (M.Pence) tiết lộ, nên có thể xếp tuyên bố này của ông vào thể loại lập dị chính trị theo đúng phong cách Zhirinovsky của chúng ta (Vladimir Volfovich Zhirinovski- chính trị gia Nga, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga, người có nhiều tuyên bố gây sốc- ND).

Hơn nữa, thời điểm để đưa ra những tuyên bố như vậy cũng đã chín muồi- chiến dịch bầu cử (tổng thống) tiếp theo đang đến rất gần.

Ông Mike Pence cũng cho biết thêm rằng nhiệm vụ chính trong chương trình chinh phục không gian vũ trụ (của Mỹ) là hoàn thành dự án cho các phi hành gia Mỹ đổ bộ xuống Mặt Trăng trong vòng 5 năm tới. Đồng thời, để thu hút sự đồng cảm (cũng như lá phiếu bầu) của những người đấu tranh cho nữ quyền đầy quyền lực, sẽ có một người đàn ông Mỹ và một phụ nữ Mỹ cùng đổ bộ xuống mặt trăng.

Có nghĩa ra, cứ suy từ bối cảnh khi M.Pence phát biểu, điều đó (đổ bộ xuống Mặt Trăng) sẽ diễn ra ngay dưới thời của vị tổng thống hiện tại (D.Trump),- vì ông này chắc chắn sẽ tái đắc cử cho một nhiệm kỳ mới. Còn nếu không thì, chào nhé, người Mỹ đừng có mơ nhìn thấy lại Mặt Trăng.

Tuy nhiên, khi nói về các chuyến bay độc lập (của Mỹ) tới ISS, Ông M.Pence đã đưa ra những thông tin khá trung thực- đó là các kế hoạch đầy tham vọng của hai công ty (tập đoàn)- là SpaceX và Boeing– hai tập đoàn đang cạnh tranh quyết liệt với nhau để giành quyền nhận một hợp đồng đưa phi hành gia Mỹ lên quỹ đạo.

Và nếu tất cả mọi việc trở thành sự thật đúng như những gì mà Elon Musk (ông chủ SpaceX –ND) và Tổng Giám đốc Boeing đã cam kết, thì đúng vậy, ngay trong nửa đầu năm tới, Roscosmos (Cơ quan vũ trụ Nga-ND) có thể sẽ mất một khoản thu nhập cực lớn lâu nay của mình.

Chỉ còn lại mỗi một hy vọng- đó là hy vọng “chở thuê” những khách du lịch không gian vũ trụ muốn lên thăm ISS trong khoảng thời gian một vài tuần bằng tàu vũ trụ “Soyuz”. Tuy nhiên, có nhiều khả năng là những người đó sẽ thích tàu Mỹ hơn.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). (Nguồn: Internet)

Về hai tàu vũ trụ sắp có của Mỹ, chúng ta sẽ nói tới ở phần sau. Còn bây giờ phải nói ngay rằng thái độ của chính NASA đối với các kế hoạch bay lên ISS bằng các thiết bị bay của chính Mỹ dè dặt hơn rất nhiều so với (thái độ tự tin) của Phó Tổng thống Mỹ.

Trong một bản báo cáo gần đây, Chánh thanh tra NASA Paul Martin thừa nhận rằng kể từ thời điểm kết thúc chương trình “Tàu con thoi” vào năm 2011đến nay, cơ quan này đã phải trả cho Nga tới 3,9 tỷ đô la để đưa các phi hành gia (Mỹ) lên ISS và quay trở về Trái Đất.

Thêm nữa, giá của dịch vụ này đang tăng chóng mặt. Nếu như vào thời gian đầu chỉ phải trả 20 triệu “tờ xanh” cho một chỗ ngồi, thì bây giờ chi phí đã tăng gấp bốn lần và “giá vé khứ hồi” lên tới 82 triệu đôla/chỗ.

Hết sức dễ hiểu là NASA đang cố gắng giảm bớt các khoản chi phí này. Và háo hức chờ đợi sự xuất hiện của những con tàu của chính nước Mỹ. Nhưng chắc chắn là với trách nhiệm cao hơn nhiều so với Ngài Mike Pence.

Vì thế nên sau khi nghiên cứu kỹ tình trạng thực tế của hai công ty đang cạnh tranh nhau nói trên, lãnh đạo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phải tính đến phương án của mình- để (NASA) có thể tiếp tục tham gia vào hoạt động của ISS, cơ quan này đã đặt mua trước các ghế trên “Soyuz” Nga lên ISS cho cả năm 2020.

Có nghĩa là NASA có thái độ không chỉ cảnh giác, mà còn hết sức thực tế và cụ thể đối với những cam kết sẽ phóng các tàu đưa phi hành đoàn Mỹ lên ISS ngay trong nửa đầu năm tới (2020).

Cuộc chạy đua giành giật các dự án tàu vũ trụ có người lái chuyên dùng cho các chuyến bay lên ISS bắt đầu khởi động vào năm 2014,- khi hai công ty thắng gói thầu chế tạo tàu vũ trụ.

Công ty SpaceX giới thiệu bản thiết kế tàu Dragon-2. Còn Boeing – là CST-100 (Crew Space Transportation). Đến nay, SpaceX đã nhận được 2,6 tỷ đô la từ NASA, còn Boeing- 4,2 tỷ đôla.

Dragon-2- đó là kiểu tàu đa năng. Kiểu tàu vận tải có hai phiên bản – có người lái và không người lái. Những khác biệt giữa hai phiên bản trên chỉ ở mức tối thiểu - trên phiên bản có người lái có hệ thống cứu nạn khẩn cấp và các hệ thống đảm bảo điều kiện làm việc cho phi hành đoàn, hệ thống điều khiển bay và màn hình hiển thị thông tin. Tàu được thiết kế cho chuyến bay bảy người.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu sẽ hạ cánh bằng dù. Thực ra, khi mới bắt đầu thiết kế, các kỹ sư SpaceX dự định sử dụng các động cơ phản lực để giảm tốc độ khi hạ cánh. Tuy nhiên, ý tưởng này sau đó đã không được thực hiện.

Trọng lượng rỗng của tàu là 6.400 kg, trọng lượng phóng- 12 tấn. Chiều cao - 8,1 m, đường kính - 3,7 m. Thể tích khoang kín chở các phi hành gia là 11 mét khối.

Thời gian đầu, theo kế hoạch thì chuyến bay đầu tiên của tàu không người lái sẽ được thực hiện vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã thất bại do một tai nạn làm nổ tàu. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đã được thực hiện tháng 3/2019, - khi đó Dragon-2 không mang theo phi hành đoàn đã bay ở chế độ tự động vận chuyển hàng hóa lên ISS và sau đó 5 ngày đã trở về Trái Đất an toàn.

Chuyến bay thử nghiệm thứ hai với phi hành đoàn, nhưng không lên ISS, sẽ được thực hiện vào cuối năm nay– hoặc là vào đầu năm sau.

Tuy nhiên, ngay cả trường hợp (chuyến bay thử nghiệm chở phi hành đoàn sắp tới) thành công, tàu sẽ vẫn chưa được cấp phép thực hiện các chuyến bay thường xuyên. Lý do là vì theo các yêu cầu của NASA, phải kiểm tra hệ thống cứu nạn khẩn cấp trên tàu tới hai lần.

Và các lần kiểm tra này sẽ chỉ được tiến hành sau chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên. Có nghĩa là, trái ngược với tuyên bố của Ngài Phó tổng thống Mỹ, chắc chắn là trong nửa đầu năm sau, và nhiều khả năng là cho đến tận cuối năm, Mỹ vẫn sẽ chưa thể “dứt bỏ” được "Soyuz” của Nga.

Còn Boeing – Hãng này dự định sẽ phóng thử nghiệm tàu không người lái của mình vào giữa tháng 12/2019, tức là chỉ còn gần một tháng nữa. Còn tàu chở phi hành đoàn - trong quý một năm 2020.

Boeing triển khai nghiên cứu chế tạo CST-100 sớm hơn Musk (Ilon Musk- tức tàu Dragon-2), - bắt đầu từ năm 2010. Theo kế hoạch ban đầu, tàu CST-100 sẽ được phóng lần đầu tiên vào năm 2015.

Tuy nhiên, sau đó NASA đã điều chỉnh lại nhiệm vụ kỹ thuật đối với tàu, vì vậy nên đến thời điểm hiện tại CST-100 mới hoàn thành và sẵn sàng cho phóng thử nghiệm. Nói cho đúng ra, cả Boeing, cả SpaceX, đều đã phải hoãn lần phóng thử đầu tiên một số lần do các sự cố kỹ thuật.

Hai tàu khá giống nhau về hình dáng và trọng lượng. Trọng lượng cất cánh của CST-100 là 13 tấn. Thể tích khoang chở phi hành đoàn là 11 mét khối. Số lượng phi hành gia như nhau – đều 7 người.

Tàu CST-100 của Boeing đã được kiểm tra hệ thống cứu nạn khẩn cấp một lần. Cách đây không lâu- mới vào đầu tháng 11 này. Thiết bị hạ cánh khẩn cấp tách ra từ tàu không có phi hành đoàn gắn trên tên lửa mang (đẩy) và đã “tiếp nước” an toàn (hạ cánh xuống biển). Nhưng trong lần thử nghiệm này, một trong ba chiếc dù đã không mở.

Dù vậy, lần thử nghiệm này đã được công nhận là thành công,- với kết luận là chỉ hai chiếc dù cũng hoàn thành nhiệm vụ cứu cả phi hành đoàn. Tuy nhiên, tuyên bố trên (thử nghiệm thành công) là tuyên bố của Cơ quan báo chí Hãng Boeing. Có lẽ NASA có ý kiến (kết luận) hơi khác một chút về vấn đề này.

Nhưng dù thế nào chăng nữa, sớm hay muộn thì cả hai tàu Mỹ sẽ được cấp chứng chỉ bay. Nếu không phải là năm sau, thì vào năm 2022. Bởi vì ngành công nghiệp vũ trụ của Mỹ bao giờ cũng thực hiện đến đầu đến đũa các dự án của mình. Người Mỹ luôn làm đến nơi đến chốn. Dù đôi khi có chậm tiến độ một chút.

Nhưng rất tiếc, ta lại không thể nói những câu như vậy về Roscosmos Nga đang trong một tình thế rất khó khăn. Và đây là tình hỉnh liên quan đến các dự án tàu có người lái được triển khai từ đầu thế kỷ tới nay. Năm 2000, bắt đầu chế tạo tàu con thoi sử dụng nhiều lần “Clipper”.

Sau 6 năm, đành phải chấm dứt dự án. Đến năm 2009 - (bắt đầu chế tạo) tàu "Federatsia” (Liên đoàn),- dự định sẽ được sử dụng để thực hiện các chuyến bay lên Mặt Trăng. Các chuyến bay thử nghiệm bị hoãn hết lần này đến lần khác- và giờ thì đã chốt lại vào năm 2023.

Tuy nhiên, có vẻ như cũng sẽ không có chuyến bay thử nghiệm nào sau 2 năm nữa. Một năm trước đây, gần như toàn bộ tập thể công trình sư của Tập đoàn “Energia” (tập đoàn chế tạo “Federatisia) đã bị đuổi việc.

Và bây giờ thì chúng ta liên tục được nghe những báo cáo nghe rất nản lòng Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) về các phương pháp tiếp tục thực hiện dự án. Ví dụ:

Vào thời kỳ đầu, ý tưởng được đưa ra là sử dụng tối đa vật liệu tổng hợp để chế tạo “Federatsia”.

Nhưng sau đó, đột nhiên lại có quyết định rằng (sẽ không sử dụng vật liệu tổng hợp nữa) vì khi nóng lên, thân tàu có thể sẽ thải ra khí độc. Và bởi vì việc chế tạo được vật liệu (tổng hợp) chất lượng cao là cực kỳ khó. Và thế là lại quyết định chuyển sang sử dụng vật liệu nhôm.

Thêm nữa, trong các buổi họp báo và trên các tài liệu phân phát cho phóng viên luôn nổi lên một ý là nhôm đó sẽ là loại “nhôm đặc biệt”. Có nghĩa là tất cả những tính toán trước đó liên quan đến tỷ lệ trọng lượng, sức bền vật liệu và các tính năng chịu nhiệt khác ...- đơn giản là bị tống hết vào sọt rác.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/nasa-my-khong-con-can-sojuz-nga-de-bay-vao-vu-tru-3391672/