NASA đếm ngược tới giờ phóng tàu vũ trụ đầu tiên chạm tới Mặt Trời

Tàu thăm dò Mặt Trời Parker sẽ bắt đầu sứ mệnh tiếp cận Mặt Trời ở khoảng cách gần nhất trong lịch sử vào lúc 14h33 ngày 11/8 (giờ Hà Nội).

Ngày 10/8, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu đếm ngược tới giờ phóng con tàu thăm dò trị giá 1,5 tỷ USD vào vũ trụ. Tàu Parker sẽ tiếp cận bầu khí quyển với nhiệt độ thiêu đốt của Mặt Trời, thực hiện sứ mệnh khám phá chưa từng có của nhân loại.

Theo AFP, thiết bị thăm dò sẽ được phóng từ Mũi Canaveral, Florida. Cửa bệ phóng sẽ mở trong 65 phút, bắt đầu từ 3h33 sáng 11/8 (giờ địa phương, tương đương 14h33 cùng ngày theo giờ Hà Nội). NASA cho biết dự báo thời tiết 70% thuận lợi cho tàu cất cánh.

Tên lửa Delta IV của NASA sẽ đưa tàu Parker bay vào vũ trụ. Ảnh: NASA.

Tên lửa Delta IV của NASA sẽ đưa tàu Parker bay vào vũ trụ. Ảnh: NASA.

Bằng việc vươn tới gần Mặt Trời hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào trước đây trong lịch sử, mục tiêu chính của chuyến thăm dò lần này là hé lộ bí mật về vành nhật hoa, khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời. Khu vực này không chỉ nóng gấp 300 lần bề mặt Mặt Trời mà còn là nơi tán xạ bức xạ điện từ, gây ra bão Mặt Trời thường làm tê liệt mạng lưới điện trên Trái Đất.

Người ta vẫn chưa hiểu rõ về những “cơn thịnh nộ” của Mặt Trời. Do đó, “tàu thăm dò Parker sẽ giúp chúng ta dự đoán chính xác hơn khi nào thì bão Mặt Trời sẽ tấn công Trái Đất”, giáo sư Justin Kasper, nhà nghiên cứu dự án thuộc Đại học Michigan, cho biết.

Tàu thăm dò được bảo vệ bởi lớp vỏ dày 11,43 cm, cho phép chịu nhiệt lên tới 1.400 độ C. Nhờ đó, tàu có thể thu hẹp khoảng cách với Mặt Trời xuống còn 6,16 triệu km. Lớp chắn nhiệt chịu được bức xạ cao gấp 500 lần so với bức xạ Mặt Trời trên Trái Đất.

Dù bên ngoài thiêu đốt là vậy, nhưng nếu mọi thứ suôn sẻ, nhiệt độ trong tàu sẽ được duy trì ở 29 độ C.

Tàu Parker sẽ giúp trả lời các câu hỏi về Mặt Trời và nâng cao khả năng dự báo các hiện tượng vũ trụ gây ảnh hưởng tới Trái Đất. Ảnh: NASA.

Mục tiêu của tàu thăm dò Parker là bay 24 vòng quanh Mặt Trời, dần thu hẹp khoảng cách trong nhiệm vụ kéo dài 7 năm.

“Mặt Trời ẩn chứa nhiều điều huyền bí. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi biết những câu hỏi mà mình muốn trả lời”, Nicky Fox, nhà khoa học trong dự án thuộc Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, Đại học Johns Hopkins, chia sẻ.

Các công cụ trên tàu sẽ đo vành nhật hoa và lượng hạt năng lượng cao, đồng thời thu thập dữ liệu về sự thay đổi trong từ trường quanh Mặt Trời cũng như gió Mặt Trời. Gió Mặt Trời là hiện tượng nhà vật lý học Eugene Parker mô tả lần đầu tiên vào năm 1958.

Parker, hiện 91 tuổi, hồi tưởng lại lúc đó không ai tin vào lý thuyết của ông. Tuy nhiên, NASA phóng tàu Mariner 2 vào năm 1962 và chứng minh những người không tin ông đều đã sai. Đây là tàu vũ trụ robot đầu tiên bay thành công vào vũ trụ để thăm dò Sao Kim.

Đầu tuần này, Parker cho biết ông “ấn tượng” với tàu thăm dò Mặt Trời, gọi đây là “một thiết bị vô cùng phức tạp”.

Theo Fox, trong hơn 60 năm qua, các nhà khoa học luôn khát khao chế tạo một tàu vũ trụ như vậy nhưng chỉ đến gần đây, tiến bộ trong công nghệ chống nhiệt mới đủ để bảo vệ các thiết bị này.

Khi tiến gần tới Mặt Trời, tàu Parker sẽ đạt vận tốc 700.000 km/h, là thiết bị nhân tạo nhanh nhất từ trước tới nay. Tốc độ này đủ để bay từ New York tới Tokyo chỉ trong vòng một phút.

Cần bao nhiêu nước để dập tắt Mặt Trời? Theo lý thuyết, chỉ cần 1/10 lượng nước trên Trái Đất đủ để dập tắt Mặt Trời trong 1 giây, nhưng thực tế, nước chỉ làm Mặt Trời bùng cháy mạnh hơn.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nasa-dem-nguoc-toi-gio-phong-tau-vu-tru-dau-tien-cham-toi-mat-troi-post867941.html