NASA chỉ trích Bắc Kinh không chia sẻ thông tin mảnh vỡ tên lửa 22,5 tấn

Ngày 30/7, mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi trở lại Trái đất tại Ấn Độ Dương nhưng NASA chỉ trích Bắc Kinh không chia sẻ thông tin cần thiết.

Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ cho biết mảnh vỡ tên lửa Long March 5B quay trở lại Trái đất và rơi xuống Ấn Độ Dương vào ngày 30/7. Nhiều người dùng mạng xã hội tại Malaysia đăng tải video cho thấy những vật thể dường như là mảnh vỡ tên lửa.

Tuy nhiên, phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc không chia sẻ thông tin về đường đi của mảnh vỡ tên lửa cũng như phạm vi phân tán của các mảnh vỡ khi rơi trở lại Trái đất.

“Tất cả quốc gia có hoạt động trong không gian cần tuân thủ các tiêu chuẩn đã được thiết lập và chia sẻ thông tin từ sớm để dự đoán nguy cơ ảnh hưởng của các mảnh vỡ. Việc chia sẻ là trách nhiệm khi hoạt động trong không gian và đảm bảo an toàn của con người trên Trái đất”, Giám đốc NASA Bill Nelson cho hay.

Tên lửa Long March-5B Y3 mang module Wentian lên trạm không gian đang xây dựng của Trung Quốc cất cánh từ Bãi Phóng Tàu vũ trụ Wenchang, tỉnh Hải Nam ngày 24/7. Ảnh - Reuters

Tên lửa Long March-5B Y3 mang module Wentian lên trạm không gian đang xây dựng của Trung Quốc cất cánh từ Bãi Phóng Tàu vũ trụ Wenchang, tỉnh Hải Nam ngày 24/7. Ảnh - Reuters

Trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận Aerospace Corp có trụ sở tại Mỹ cho rằng việc để phần tầng lõi của tên lửa có trọng lượng tới 22,5 tấn quay trở lại Trái đất một cách không kiểm soát là hành vi thiếu thận trọng.

Đầu tuần này, các nhà phân tích dự báo rằng phần tầng lõi tên lửa của Trung Quốc sẽ bị vỡ ra thành nhiều mảnh và các mảnh vỡ có thể phân tán trên khu vực dài 2.000km, rộng 70km khi rơi trở lại Trái đất.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa phản hồi trước thông tin trên. Trước đó, Trung Quốc thông báo sẽ theo dõi chặt chẽ quỹ đạo rơi của tên lửa và cho biết việc tên lửa Long March 5B quay trở lại Trái đất không tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người dân trên mặt đất.

Tên lửa Long March 5B được phóng lên quỹ đạo từ ngày 24/7, để đưa mô-đun lên trạm không gian đang được xây dựng của Trung Quốc. Đây là chuyến bay thứ 3 của tên lửa uy lực mạnh nhất Trung Quốc kể từ vụ phóng đầu tiên vào năm 2020.

Cùng năm 2020, các mảnh vỡ của một tên lửa Long March 5B của Trung Quốc rơi xuống Bờ biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà nhưng không ghi nhận trường hợp người dân bị thương.

Năm 2021, NASA cũng chỉ trích Trung Quốc giữ im lặng về thông tin đường đi của các mảnh vỡ khi quay trở lại Trái đất sau vụ phóng tên lửa Long March vào tháng 5/2021. Các mảnh vỡ này rơi xuống Ấn Độ Dương và cũng không ghi nhận trường hợp người dân bị thương.

Hoàng Anh (Theo Reuters)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nasa-chi-trich-bac-kinh-khong-chia-se-thong-tin-manh-vo-ten-lua-225-tan-d561099.html