NASA chế tạo vũ khí bảo vệ Trái đất khỏi mối nguy hiểm ngoài hành tinh

Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA đã phê duyệt kế hoạch chế tạo kính viễn vọng không gian hồng ngoại mới, nhằm tăng cường bảo vệ Trái đất khỏi các mối nguy hiểm ngoài hành tinh.

Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA vừa phê duyệt kế hoạch chế tạo kính viễn vọng không gian hồng ngoại mới nhằm tăng cường bảo vệ Trái đất.

Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA vừa phê duyệt kế hoạch chế tạo kính viễn vọng không gian hồng ngoại mới nhằm tăng cường bảo vệ Trái đất.

Kính thiên văn mang tên Sứ mệnh giám sát vật thể gần Trái đất - gọi tắt là NEO Surveyor - đã vượt qua một cuộc đánh giá quan trọng. Các kỹ sư của NASA sẽ bắt đầu chế tạo các bộ phận mới của NEO Surveyor.

Nhiệm vụ của kính viễn vọng NEO Surveyor là phát hiện và phân loại các vật thể gần Trái đất (NEO), ví dụ tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm 2021 KT1 đã từng lao qua cách Trái đất 7,2 triệu km với tốc độ khoảng 64.400 km/h.

Để bảo vệ Trái đất khỏi một tiểu hành tinh va chạm, các chuyên gia ước tính cần cảnh báo trước từ 5 đến 10 năm. Hiện tại, một tiểu hành tinh có thể dễ dàng tiếp cận Trái đất mà không bị phát hiện vì các kính viễn vọng trên mặt đất chỉ có năng lực giám sát hạn chế.

NEO Surveyor sẽ giúp NASA lập danh mục các tiểu hành tinh gần, lập biểu đồ đường đi của các tiểu hành tinh này trong Hệ Mặt trời. Qua đó, trường hợp cần thiết có thể làm chệch hướng hoặc phá hủy bất kỳ thiên thể nào đang lao vào Trái đất.

NASA đang thực hiện nhiệm vụ phát hiện 90% NEO lớn hơn 140 m và đến nay đã tìm thấy khoảng 40%. Năm 2010, NASA hoàn thành mục tiêu phát hiện 90% các NEO có kích thước lớn hơn 1.000 m.

NASA đã cung cấp thông tin rõ ràng về một số NEO, nhưng ảnh hưởng của những NEO chưa được phát hiện vẫn là một mối đe dọa lớn đối với Trái đất.

Từ vị trí gần Mặt trời hơn, NEO Surveyor sẽ sử dụng cảm biến hồng ngoại để định vị các NEO bay qua Trái đất trong ngày - điều mà kính viễn vọng quang học dưới mặt đất hiện nay không làm được.

NEO Surveyor là sứ mệnh chính thức của NASA năm 2019. Kể từ đó, dự án được NASA đưa vào Giai đoạn A - giai đoạn tập trung vào thiết kế và phát triển công nghệ.

Hiện dự án chuyển sang Giai đoạn B để bắt đầu xây dựng nguyên mẫu, phát triển phần cứng và phần mềm.

NEO Surveyor dự kiến được phóng lên không gian vào nửa đầu năm 2026. NASA cũng dự định phóng tàu Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi (DART) để kiểm tra công nghệ làm chệch hướng vào cuối năm nay.

Nếu không có kính viễn vọng không gian như NEO Surveyor, rất có thể một tiểu hành tinh sẽ lao vào Trái đất. Năm 2013, một tiểu hành tinh có kích thước bằng ngôi nhà đã lao tới và phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga, tạo ra đợt sóng xung kích làm vỡ cửa sổ, hư hại các tòa nhà, khiến hơn 1.400 người bị thương mà không thiết bị nào trên Trái đất phát hiện.

Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nasa-che-tao-vu-khi-bao-ve-trai-dat-khoi-moi-nguy-hiem-ngoai-hanh-tinh-1549869.html