Napoléon mãi yêu một phụ nữ không chính chuyên

Năm 1792, có một quân nhân bắt đầu nổi danh khi dùng đại bác tấn công, chiếm được thành Toulon - thành lũy của lực lượng bảo hoàng Pháp.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Sau vinh quang đó, đại úy Napoléon Bonapart được phong vượt cấp lên thiếu tướng, sau này trở thành Hoàng đế nước Pháp. Cuộc đời ông với rất nhiều điều được nói đến, ở đây xin đề cập đến người phụ nữ có hình ảnh không phai mờ trong trái tim ông.

Năm 1795, nữ quý tộc Joséphine Marie-Rose, vợ góa của hầu tước De Beauharnais và Napoléon gặp và phải lòng nhau. Napoléon lúc này là một viên tướng trẻ nổi danh sau vụ dẹp cuộc bạo loạn ngày 13 tháng Hái Nho và trẻ hơn Josephine 6 tuổi.

Theo một giai thoại do chính Napoléon kể lại (và được 2 con riêng của bà Joséphine là Eugène, Hortense và Paul Barras xác nhận) là sau cuộc bạo loạn, chính quyền ra lệnh tịch thu tất cả vũ khí của người dân Paris vì lý do an ninh, trong số đó có thanh bảo kiếm của hầu tước Alexandre de Beauharnais. Vì vậy, cậu bé Eugène de Beauharnais đã khẩn thiết cầu xin được gặp Napoléon để xin lại thanh kiếm của cha mình và được Napoléon đồng ý.

Ngày hôm sau, bà Joséphine đến gặp Napoléon để tạ ơn. Phải lòng người phụ nữ xinh đẹp, Napoléon ngỏ lời xin ghé thăm tư dinh của bà và các buổi ghé thăm thân mật như vậy sau đó ngày càng thường xuyên hơn rồi say đắm bà mãnh liệt, năm ấy Napoléon 26 tuổi còn bà Josephine đã 32 tuổi (sinh năm 1763).

Joséphine de Beauharnais (sinh 23/6/1763 mất ngày 29/6/1814) là một phụ nữ phức tạp làm tốn nhiều giấy mực của giới chuyên viết sử sách. Trước khi trở thành Hoàng hậu, bà từng kết hôn với Hầu tước Alexandre de Beauharnais (bị một số lãnh đạo cách mạng Pháp xử tử hình).

Họ có với nhau 1 con trai là Eugene và 1 con gái là Hortense. Sau này, dù được làm Hoàng hậu nhưng bà không thể sinh con cho Napoléon nên Hoàng đế buộc phải ly dị bà vào năm 1810.

Trước khi gặp Napoléon, cũng có một thời gian bà tự xưng là Rose, hay Marie-Rose, hay Tascher de la Pagerie, (hoặc Tascher de Beauharnais), và đôi khi bà sử dụng họ hồi chưa kết hôn là Tascher de la Pagerie trong những năm cuối đời. Sau khi kết hôn với Napoléon, bà sử dụng tên Joséphine Bonaparte.

Napoléon và Joséphine.

Lại nói sau mấy lần gặp gỡ, nhận biết được tiềm năng, tương lai của vị tướng, nàng Rose xiêu lòng. Một ngày nọ, sau khi chuẩn bị kỹ, bà viết thư mời Napoléon đến ăn cơm tối tại nhà mình.

Buổi tối đó Napoléon chiếm hữu được Rose và tràn ngập tình yêu đối với bà. Mặc dù đã có 2 con riêng nhưng Rose rất đẹp, các chi tiết trên mặt rất cân đối, tóc mượt hơi xoăn, mắt huyền ảo, miệng nũng nịu, thân hình tuyệt mỹ với nhiều đường cong.

Tháng 1 năm 1796, Napoléon cầu hôn Rose và hai người kết hôn vào ngày 9 tháng 3. Napoléon thường gọi bà là Joséphine và từ đó cái tên bà sử dụng tên này đến cuối đời. Cuộc hôn nhân giữa Joséphine và Napoléon không được gia đình chồng đón nhận nồng nhiệt, cả nhà Napoléon đều ngạc nhiên về việc ông kết hôn với một phụ nữ lớn tuổi và đã có 2 con riêng.

Mẹ và các chị em gái của Napoléon đặc biệt ghen ghét, ganh tị với Joséphine vì bản thân họ xuất thân từ gia đình quý tộc bình dân. Họ rất khó chịu trước phong thái quan cách, lịch duyệt và tinh thần quý tộc cao quý luôn toát ra của Joséphine.

Chưa kể tới cặp môi mọng, nũng nịu của bà rất hấp dẫn người khác giới và nhất là kiểu đi lại nhún nhẩy như múa của bà - được cho là tướng mạo của người trải nhiều cuộc tình và vất vả, đa đoan. Nhưng bù lại bà có những tướng quý khác là làn da rất mịn tự tỏa một mùi hương thơm nhè nhẹ không cần mỹ phẩm, đó là tướng của bậc mẫu nghi thiên hạ.

Hai ngày sau khi cưới, Napoléon tạm biệt người vợ mới cưới dẫn đầu một đội quân sang tác chiến ở Italia. Dọc đường hành quân, ông viết cho vợ những bức thư đầy yêu thương, đến nay vẫn được coi là những thư tình hay nhất. Napoléon mời vợ đến sống ở doanh trại, nhưng Joséphine không muốn chịu khổ bởi cuộc sống nơi trận mạc nên không đến.

Bà bịa ra lý do ốm nghén, Napoléon vẫn sốt ruột muốn gặp, ông dọa từ chức về ở Paris, khiến bà phải đến với ông mấy ngày, sau đó trở về Paris và ngoại tình với một sĩ quan trẻ. Ngoài ra, bà còn có những mối tình chóng vánh khác.

Sau khi lập nhiều chiến công, Napoléon bước dần lên vũ đài chính trị, đầu tiên giữ cương vị Tổng tài thứ nhất, đến năm 1804 trở thành Hoàng đế Napoléon I và tấn phong Joséphine làm Hoàng hậu.

Sau này, do lại phát hiện được việc ngoại tình của vợ, Napoléon đứng về phía mẹ đẻ mình cùng toàn gia đình và bắt đầu đi đến quyết định ly hôn. Joséphine dùng nước mắt lung lạc nên vị Hoàng đế, một phần vì trong sâu thẳm trái tim vẫn không nỡ, phần khác cảm thấy chịu ơn Josephine đã góp sức ít nhiều trong việc vận động chính giới ủng hộ ông chiếm giữ ngai vàng nên ông không quyết được.

Trong cuộc đời của mình, Napoléon có không ít đàn bà, ông từng yêu cô gái Ba Lan quyến rũ Maria Valevskaia say đắm, và chỉ có cô này có vị trí nhất định trong tâm tưởng Napoléon sau Joséphine.

Lấy lý do Joséphine không thể có con, nên đến năm 1809, Napoléon cuối cùng phải đau đớn chia tay với bà và lấy công chúa nước Áo là Marie Louise. Nhưng dù Marie nước Áo sinh được hoàng tử thì Hoàng đế Pháp và công chúa Áo cũng chẳng yêu nhau, vì hôn nhân của họ trước hết là hôn nhân chính trị.

Chia tay Joséphine, nhưng Napoléon vẫn giữ nguyên sắc phong hoàng hậu và đảm bảo mọi quyền lợi cho bà. Thỉnh thoảng Napoléon lại đến thăm hoặc viết bức thư thăm hỏi, tuy không mùi mẫn như còn hồi trẻ trung.

Những người hâm mộ bà luôn nhớ đến một Joséphine có chiều cao trung bình, thân hình mảnh khảnh, hay làm dáng với mái tóc bóng, dài màu hạt dẻ; đôi mắt xanh, và nước da sáng. Mũi của bà nhỏ và thẳng, miệng có dáng đẹp, nhưng hàm răng của bà không được sáng đẹp và đều đặn vì vậy bà ít khi cười mở miệng.

Bà có phong thái quý phái cùng giọng nói trong trẻo, đẹp và diễn cảm, nhỏ nhẹ dễ đi vào lòng người. Joséphine cũng là người dễ mến, có vẻ ngoài thu hút và vui vẻ, hào phóng. Ngoài thú chơi hoa hồng, Joséphine cũng có sở thích yêu văn hóa nghệ thuật.

Bà tuyển mộ xung quanh mình các nghệ nhân từ họa sĩ đến nhà điêu khắc và kiến trúc sư. Hoàng hậu Joséphine là nhân vật hoàng gia Pháp đầu tiên thực hiện việc sưu tầm nghệ thuật quy mô lớn, dẫn đầu trong trào lưu nghệ thuật thời Napoléon.

Joséphine mất ở lâu đài Rueil-Maimaison ngày 29 tháng 5 năm 1814, ít lâu sau khi bà gặp gỡ Nga hoàng Aleksandr I tại dinh thự Malmaison. Có nguồn tin cho rằng trong cuộc gặp này bà đã cầu xin Nga hoàng để được đoàn tụ với chồng lúc này đang bị đi đày ngoài đảo.

Napoléon biết tin Joséphine qua đời thông qua một nhật báo tiếng Pháp khi ông đang bị lưu đày ở đảo Elba. Ông tự giam mình trong phòng suốt hai ngày và không gặp mặt bất cứ ai. Khi bị đi đày ở đảo Saint Helena lúc cuối đời, cựu hoàng đế thổ lộ rằng mình thật lòng yêu thương Joséphine nhưng không kính trọng bà.

Một ngày ẩm ướt buồn bã, ông tìm mấy kỷ vật rồi ngồi lâu trước bức ảnh bà, tay mân mê những vật cũ đã thành hoài niệm, khi lướt qua những bức thư cũ của mình gửi vợ và của vợ gửi mình, mắt ông nhòa lệ.

Trước lúc lâm chung, Napoléon đã nhắc đến tên của Joséphine, cùng với tên của nước Pháp, quân đội Pháp, và chức Thống lĩnh quân đội. Ông thảng thốt nhắc lại mấy lần: “Ôi nước Pháp, quân đội, Thống lĩnh quân đội, Joséphine!!!”.

PGS Lê Thanh Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/napoleon-mai-yeu-mot-phu-nu-khong-chinh-chuyen-post622064.html