Nạo vét 27 triệu m3 bùn, cát để tạo luồng lạch ở Dung Quất

Các chuyên gia tính toán nếu các dự án đồng loạt nạo vét tạo độ sâu luồng lạch làm các bến cảng ở khu kinh tế Dung Quất thì có khoảng 27 triệu m3 bùn, cát tại khu vực này.

Quảng Ngãi thống nhất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dự án vùng trũng bị nhiễm mặn san lấp mặt bằng từ nguồn bùn, cát nạo vét ở các cảng tại khu kinh tế Dung Quất.

 Khu vực cảng chuyên dụng của tổ hợp gang thép Hòa Phát. Ảnh: Minh Hoàng.

Khu vực cảng chuyên dụng của tổ hợp gang thép Hòa Phát. Ảnh: Minh Hoàng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nếu các dự án đồng loạt nạo vét để tạo độ sâu luồng lạch ở các bến cảng tại Dung Quất sẽ có khoảng 27 triệu m3 cát nhiễm mặn, bùn sét…

Trong con số trên có 15,4 triệu m3 bùn, cát được nạo vét ở cảng chuyên dụng của Tổ hợp gang thép Hòa Phát đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp phép cho nhận chìm xuống biển.

Sắp tới còn khoảng 12 triệu m3 bùn, cát nạo vét tại cảng Hào Hưng, cảng tổng hợp container và dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2. "Để xử lý 12 triệu m3 bùn, cát nạo vét, chúng tôi đã thống nhất khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng để san lấp mặt bằng các dự án vùng trũng nhiễm mặn, vừa tận dụng nguồn tài nguyên vừa giảm chi phí đầu tư", ông Tài nói.

Cục Hàng hải cũng cho rằng cần ưu tiên phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ, ngoài 80% cát có thể dùng để san lấp, có khoảng 20% bùn cần được xử lý riêng. Vì vậy Quảng Ngãi cần sớm quy hoạch, xây dựng các bãi chứa những chất không thể san lấp hay nhận chìm.

Một góc Dung Quất. Ảnh: M.Hoàng.

Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, nêu ra bài học cá chết hồi tháng 10 năm ngoái ở gần khu vực dự án Tổ hợp gang thép Hòa Phát. Thời điểm đó, doanh nghiệp mới chỉ nạo vét một ít đã xảy ra tình trạng cá nuôi lồng bè nơi đây chết hàng loạt. Sau đó, người dân phản đối, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, tỉnh phải chi ra hơn 8 tỷ đồng hỗ trợ các hộ bị thiệt hại.

"Chúng tôi mong doanh nghiệp sản xuất không chỉ tính đến lợi ích của riêng mình mà cần quan tâm đến cả lợi ích chung của xã hội, của nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt là vấn đề môi trường”, bà Thư kiến nghị.

Theo các chuyên gia, việc nhận chìm vật chất nạo vét cảng xuống vùng biển Dung Quất cần phải cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng. Trong trường hợp khu vực nhận chìm thuộc công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh thì càng phải thận trọng. Nếu kiểm tra mà khu vực công viên địa chất di sản bị xâm hại thì UNESCO khó thể công nhận công viên địa chất toàn cầu.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nao-vet-27-trieu-m3-bun-cat-de-tao-luong-lach-o-dung-quat-post932503.html