Nào phải ai cũng nhận ra…

Việc quả vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là sản phẩm chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản được nhiều người quan tâm. Nhiều nhà nông, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu coi đây là cơ hội để 'gặt hái' ở những thị trường giàu có, nhưng khó tính.

Mùa vải thiều ở Lục Ngạn.

Mùa vải thiều ở Lục Ngạn.

Trước đó, năm 2008, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước. Giá trị quả vải tăng lên nhưng vẫn chịu thiệt thòi khi phải gắn tên của đơn vị cung cấp sản phẩm phía nước ngoài trong quá trình tiêu thụ.

Vì thế, nay với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, quả vải thiều Lục Ngạn không chỉ đĩnh đạc gắn tên mình lên sản phẩm xuất khẩu vào nước này mà từ đó cánh cửa vào các thị trường khác sẽ mở toang, do người thiên hạ ai cũng biết Nhật Bản là thị trường rất khắt khe, đặc biệt là với nông sản nhập khẩu. Khi trái vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản cùng với bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn được coi là tất nhiên.

Quan trọng là thế với một chỉ dẫn địa lý tại một quốc gia phát triển, nhưng cũng đáng tiếc là lâu nay (ngay cả đến bây giờ) cũng không phải ai cũng nhận ra. Đáng buồn nữa là có người nhận ra nhưng đứng trước những đòi hỏi khắt khe thì đành “buông”, chấp nhận sản phẩm của mình chỉ loay hoay đâu đó. Điều này đồng nghĩa với việc không ý thức được rằng tiêu thụ hàng hóa trong nước, xuất sang thị trường “dễ tính” hay “khó tính” thì cũng phải là chất lượng. Nếu không, trước sau gì cũng sẽ bị cuộc sống gạt sang một bên.

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản là quá trình kéo dài gần 2 năm và thực sự khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao và thực tế là chất lượng vải thiều Lục Ngạn tốt, nên cuối cùng cũng đã nhận được “visa” vào đất nước này. Theo ông Phí, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Thách thức đứng chân và phát triển được ở những thị trường khó tính cũng không một chút dễ dàng. Nhưng nếu cứ ngại khó ngại khổ, tự bằng lòng với những gì mình có thì biết đến bao giờ mới thành Rồng, thành Hổ?

An Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nao-phai-ai-cung-nhan-ra-558239.html