Náo nức chờ tiếng trống khai trường

Tôi nhớ cái tứ của bài thơ 'Ngày khai trường' mà tôi thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học cách đây đã lâu: 'Hôm nay, ngày khai trường, lòng tôi vui như hội'.

Ngày khai trường năm nào, thời nào cũng vậy. Cổng trường rộng mở, nhộn nhịp, ồn ào. Tiếng trống trường giục giã tuổi thơ. Có lẽ, tiếng trống trường là đặc trưng cơ bản nhất của các trường học Việt Nam từ nghìn xưa, in dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn học sinh của bao đời.

Một số người nói rằng, hiện nay, ngày khai trường không còn sự háo hức, mong mỏi, chờ đợi của học sinh như cách đây hai, ba chục năm trở về trước. Bởi vì bây giờ học sinh chỉ được nghỉ hè một tháng, các em đã phải đến trường hoặc nhà thầy, cô để học thêm văn hóa, học những “học kỳ quân đội”, học kỹ năng sống... Nói thế, cũng có cái lý của nó, nhưng chỉ đúng một phần nhỏ. Tôi nghĩ, với lứa tuổi học đường, nhất là với các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở, ngày khai giảng năm học mới vẫn náo nức, hồi hộp và thiêng liêng biết bao!

Trong quãng đời học sinh của mình, một trong những hình ảnh tôi nhớ nhất, là cái trống treo ở gần văn phòng nhà trường. Cái trống to hơn vòng tay người lớn, hai mặt trống tròn căng, da nhẵn bóng. Ở giữa hai mặt trống bạc trắng. Tang trống và chiếc dùi gỗ cũng nhẵn bóng. Hồi học cấp 2, mỗi buổi khai trường, trước các thầy, cô và hàng nghìn học sinh, tôi đều được chọn lên để kéo lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc bay cao trong nắng thu vàng tươi. Sau các nghi lễ truyền thống, thầy hiệu trưởng trịnh trọng cầm chiếc dùi gỗ, rồi những tiếng trống rộn ràng, âm vang khắp sân trường và lan xa một vùng quê. Và chúng tôi, như bầy chim non, hồi hộp, sung sướng tỏa về các lớp. Sau tiếng trống khai trường, buổi học đầu năm hồi hộp, háo hức biết bao. Với các em lớp 1, đây là ngày các em được mở trang đời đầu tiên của mình.

Tiếng trống trường không chỉ thiêng liêng trong ngày khai giảng. Nó theo suốt quãng đời học sinh, sinh viên. Sau những tiếng trống, chúng tôi vào lớp với những bài học tươi mới, hoặc ùa ra sân chơi sau những giờ phút căng thẳng làm bài, thi cử. Tiếng trống trường như những lời nhắc nhở ân cần, lời giảng giải tâm huyết của các thầy cô và lời tâm tình bè bạn. Tiếng trống trường như lời cảm thông với những vui buồn và cả những lo toan của đời học sinh, sinh viên. Tiếng trống trường còn là lời khích lệ, động viên các bậc cha mẹ hằng ngày quan tâm đến việc học hành của những đứa con yêu quý của mình. Theo tiếng trống trường, chúng tôi lớn lên từng ngày.

Nghe tiếng trống khai trường, tôi nhớ tới lời Bác Hồ dạy trong “Thư gửi cho học sinh” ngày 5-9-1945, nhân dịp khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới giành được độc lập, tự do: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Đã qua lâu rồi lứa tuổi học sinh, sinh viên, nhưng tiếng trống khai trường hôm nay vẫn khiến lòng tôi rộn ràng, bâng khuâng, xao xuyến. Tôi muốn hòa vào trong các em tôi, sung sướng như thấy mình được trở thành người học trò nhỏ.

ĐÀO NGỌC ĐỆ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nao-nuc-cho-tieng-trong-khai-truong-548635