Náo nức chào đón mùa Giáng sinh an lành

Năm 2020 là năm đặc biệt với nhân dân cả nước nói chung và bà con các tín đồ tôn giáo nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả, đồng bào các tín đồ tôn giáo, chung sức đồng lòng nỗ lực vượt qua thách thức, đoàn kết xây dựng đất nước, hân hoan chào đón lễ Giáng sinh ngập tràn hạnh phúc.

Nhà thờ Lớn Hà Nội trong đêm Giáng sinh năm 2020. Ảnh: ĐĂNG ANH

Nhà thờ Lớn Hà Nội trong đêm Giáng sinh năm 2020. Ảnh: ĐĂNG ANH

Năm 2020 là năm đặc biệt với nhân dân cả nước nói chung và bà con các tín đồ tôn giáo nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả, đồng bào các tín đồ tôn giáo, chung sức đồng lòng nỗ lực vượt qua thách thức, đoàn kết xây dựng đất nước, hân hoan chào đón lễ Giáng sinh ngập tràn hạnh phúc.

Người dân Thủ đô Hà Nội đón Giáng sinh trong thời tiết lý tưởng. Ban ngày trời hửng nắng, tối đến thời tiết se lạnh, tạo điều kiện cho đồng bào Công giáo cũng như nhân dân vui đón Nô-en. Các nhà thờ trên địa bàn đã được trang hoàng từ rất sớm với những cây thông, mô hình tái hiện khung cảnh Chúa Giê-su ra đời. Không khí Giáng sinh cũng tràn ngập các trung tâm thương mại, các khu vui chơi, giải trí…

Hà Nội có 192 nghìn đồng bào Công giáo, sống ở 337 xã, phường, thị trấn. Năm 2020, mặc dù Thủ đô và đất nước gặp không ít khó khăn khi đại dịch Covid-19 xảy ra, song, bà con giáo dân thuộc các giáo xứ, giáo họ đoàn kết với nhân dân thực hiện tốt nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”. Tại khu vực nội thành, đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng thực hiện nếp sống trật tự, văn minh đô thị. Đồng bào Công giáo họ Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) tổ chức vệ sinh ngõ, phố; đồng bào Công giáo trên địa bàn quận Tây Hồ tổ chức nhiều mô hình Xứ họ đạo bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… Tại khu vực nông thôn, hơn 100 hộ dân thôn Bái Xuyên (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên) hiến hơn 2.200 m2 đất nông nghiệp để mở rộng mặt đường, đồng bào Công giáo thôn Trung Hòa (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) đã huy động gần 5 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa, nhà mục vụ, nhà trẻ mẫu giáo, cứng hóa toàn bộ đường làng, ngõ xóm…

Các địa phương có đồng bào Công giáo cũng luôn là điển hình trong giữ gìn an ninh, trật tự, đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế. Nhiều tấm gương điển hình, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện tại các huyện Mê Linh, Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ…

Tối 24-12, hàng đoàn người đổ về những nhà thờ trên địa bàn thành phố tham dự lễ Giáng sinh. Đông nhất là khu vực nhà thờ Lớn, nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Hàm Long. Cùng gia đình chào đón lễ Giáng sinh, chị Âu Phương Thảo (phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Gia đình tôi theo đạo Thiên Chúa. Ngày Giáng sinh là ngày mọi người yêu thương, đùm bọc nhau. Đó cũng là lời răn của Chúa. Tôi nghĩ, ngày nay, lễ Giáng sinh còn là dịp để mọi người chung vui, trao yêu thương và hạnh phúc”.

Tại TP Hồ Chí Minh, những ngày qua, thời tiết se lạnh vào buổi sáng và tối càng làm cho không khí đón Giáng sinh của đồng bào giáo dân và nhân dân trên địa bàn thêm vui và ý nghĩa. Ghi nhận cho thấy, so với các năm trước, không khí Nô-en năm nay vẫn ấm cúng, vui nhộn nhưng lượng người đi chơi không đông như mọi năm. Nguyên nhân là mọi người đều e ngại tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại các điểm vui chơi, lực lượng bảo vệ vẫn thực hiện công tác đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn đối với những người đi vào các tòa nhà, trung tâm thương mại. Cả người lớn và trẻ nhỏ dù có lúc hơi nóng bức nhưng vẫn không quên đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch bệnh. Tại các giáo xứ, nhà thờ địa phương khác, không khí trang trí đón Giáng sinh hối hả để kịp đón những khoảnh khắc của đêm Nô-en. Tại nhà thờ Tân Định (quận 1), đến chiều 24-12, những người thợ tại đây gần như hoàn chỉnh việc trang trí hang đá, cây thông lớn bên hông nhà thờ để đón bà con giáo dân và người dân đến đón Nô-en. Với mầu hồng đặc trưng, mấy ngày qua, nhà thờ này đã đón hàng nghìn lượt người dân, nhất là bạn trẻ đến vui chơi và chụp hình. Còn tại giáo xứ Tân Phú (quận Tân Phú), trong chiều 24-12, giáo xứ ngoài việc tổ chức các thánh lễ vào buổi sáng như thường lệ thì đến buổi chiều và buổi tối, giáo xứ sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Thánh lễ Vọng Giáng sinh (dành cho người cao tuổi); rước kiệu Chúa Hài đồng; Thánh lễ đồng tế đêm Giáng sinh - Đài Đức mẹ;… Để đồng bào giáo dân tại đây đón một mùa Giáng sinh an lành, UBND phường Tân Thành sẽ huy động các lực lượng cơ quan chức năng tham gia giữ gìn an ninh trật tự chung quanh khu vực giáo xứ, nhà thờ nơi tổ chức các lễ trọng.

Vui mừng đón đoàn công tác do đồng chí Giàng Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ huyện Điện Biên về thăm, chúc mừng Giáo xứ Điện Biên trong mùa Giáng sinh 2020, Cha Cấn Đức Lộc, Phó Quản xứ Giáo xứ Điện Biên, phấn khởi cho biết: Mùa Giáng sinh năm nay cũng là dịp để đồng bào nhìn lại thành quả, nỗ lực của năm qua. “Với trách nhiệm cá nhân, tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương chăm lo đời sống giáo dân nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung, góp phần chung tay xây dựng khối đại đoàn kết trong tỉnh” - Cha Cấn Đức Lộc, khẳng định như thế.

Tại huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) có nhiều đồng bào tôn giáo thuộc các hệ phái, nên ngay đầu tháng 12, đại diện các ban, ngành trong huyện đã chia thành nhiều đoàn đến thăm, động viên tín đồ các điểm nhóm tôn giáo. Cảm ơn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương nhân dịp Giáng sinh 2020, ông Lù Văn Sài, Trưởng điểm nhóm bản Nộc Cốc 2, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, báo cáo: 100% số tín dân ở điểm nhóm bản Nộc Cốc 2 luôn tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; dù cuộc sống ở vùng cao biên giới có nhiều khó khăn, song tín dân ở điểm nhóm bản Nộc Cốc 2 không dao động, không nghe lời kẻ xấu kích động gây chia rẽ với các dân tộc, tôn giáo khác. Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên, cho biết thêm: Tính đến ngày 31-10-2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 12.996 hộ, với 73.294 người theo các tôn giáo khác nhau. Ðến nay đã có 297 điểm, nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Không chỉ quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào Công giáo và đồng bào theo đạo Tin lành đón Giáng sinh an lành, ấm áp, cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành, tổ chức hội đoàn thể đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ các đoàn tổ chức thăm, động viên chúc mừng lễ Giáng sinh trang trọng, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm.

TẠI nhà thờ Chánh tòa Giáo phận Ban Mê Thuột nằm ngay ngã sáu trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), mặc cho thời tiết giá lạnh và mưa phùn, hàng nghìn giáo dân ở khắp các địa phương trong tỉnh vẫn đổ về đây dự lễ và vui chơi trong ngày Giáng sinh. Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống dịch, tại cửa ra vào và một số khu vực trong khuôn viên nhà thờ được bố trí các chất sát khuẩn tay, đồng thời phần lớn các giáo dân đến làm lễ và vui chơi tại khu vực nhà thờ đều chủ động đeo khẩu trang. Anh Nguyễn Văn Nam, một giáo dân đến từ xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ hồ hởi cho biết: Giáng sinh năm nào tôi và người thân trong gia đình cũng đến nhà thờ Chánh tòa làm lễ và vui chơi. Mùa Giáng sinh năm nay, kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá cả các loại nông sản như cà-phê, tiêu vẫn ở mức thấp, vì vậy gia đình tôi cũng như bà con giáo dân tổ chức đón Giáng sinh tiết kiệm, an toàn nhưng vẫn vui vẻ, phấn khởi.

Hòa trong không khí rộn rã vui đón Giáng sinh, chúng tôi xuôi về xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, địa phương có đến gần 90% số dân là đồng bào Công giáo sinh sống. Chúng tôi ghé thăm Giáo xứ Kim Phát nằm ngay trung tâm xã, lúc này một số bà con giáo dân đang tập trung trang trí hang đá, người lắp đèn, người kéo điện, người sửa hang đá, người dựng cây thông... Ai nấy đều háo hức. Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Kim Phát Vũ Thành Minh vui vẻ cho biết: Toàn bộ giáo xứ có 1.100 hộ với hơn 4.900 khẩu, chủ yếu sinh sống trên địa bàn xã Hòa Hiệp. Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, bà con giáo dân đã nỗ lực lao động, sản xuất nên đến nay trong giáo xứ không còn hộ nghèo. Bên cạnh đó, Giáo xứ Kim Phát đã vận động các nguồn tài trợ xây dựng được 68 nhà tình thương, mỗi nhà trị giá 40 triệu đồng hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn về nhà ở; hỗ trợ hơn 70 con bò cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk Dương Văn Tuệ chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có đông đồng bào Công giáo sinh sống với hơn 224 nghìn người thuộc 49 giáo xứ, 34 giáo họ. Giáng sinh năm nay với chủ đề “Giáng sinh yêu thương”, ngoài các nghi thức, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, các giáo xứ, giáo họ, nhà thờ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều tổ chức các gian hàng 0 đồng để chia sẻ những phần quà, những chiếc áo quần ấm cho những hoàn cảnh khó khăn trong những ngày đông giá rét.

Tại Thừa Thiên Huế, dù thời tiết mưa rét kéo dài mấy ngày qua, song không khí đón mừng đêm Giáng sinh năm nay vẫn rộn ràng, rực rỡ sắc mầu với những những cây thông, những ánh đèn mầu lấp lánh, ấm cúng. Khi tiếng chuông nhà thờ khắp nẻo đường gióng lên rộn rã, dòng người đội mưa xuống phố. Tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, không khí đón chào mùa Giáng sinh năm nay của bà con giáo dân ở đây thật nhộn nhịp. Ông Đặng Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Phủ Cam cho biết: Toàn giáo xứ có hơn 5.700 giáo dân, đời sống ngày càng ổn định khi được các cấp, các ngành chăm lo. Với phương châm “sống phúc âm trong lòng dân tộc…”, Giáng sinh năm nay, giáo xứ đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện bác ái, như trao hơn 200 suất quà tặng người nghèo (cả Công giáo và lương giáo); tổ chức vui chơi, văn nghệ và phát quà cho hàng trăm trẻ em trên địa bàn phường. Giáo xứ Phủ Cam còn duy trì “Hũ gạo tình thương” nhằm chia sẻ, giúp đỡ các cụ già tật nguyền, hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa và hộ nghèo. Năm nào cũng vậy, mọi người xem Giáng sinh như một ngày hội để tận hưởng không khí an lành trong những ngày sắp bước sang năm mới.

Trên các tuyến phố dường như ấm dần lên với hình ảnh ông già Nô-en vác những gói quà đủ sắc mầu rực rỡ đi phát quà cho các bạn nhỏ. Mơ ước được ông già Nô-en tặng quà trong đêm Giáng sinh của nhiều trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật và các cháu nhỏ đang điều trị bệnh tại Bệnh viện T.Ư Huế đã thành hiện thực. Hơn 300 suất quà gồm sữa, bánh, khăn mặt, mũ len… đã được trao cho các bệnh nhi. Đây là hoạt động hằng năm của các bạn tình nguyện đến từ CLB từ thiện “Kết nối Trái tim”, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện T.Ư Huế và CLB Tình nguyện Blouse xanh - Trường đại học Y Dược Huế tổ chức với tên gọi “Nô-en ấm áp”. Trong sắc đỏ của ông già tuyết, nhiều bệnh nhi đã được nhận quà trong niềm vui khôn tả.

Dù theo đạo hay không theo đạo Công giáo, khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, mọi người dân đều háo hức đón chờ Giáng sinh như một ngày hội lớn để tận hưởng không khí an lành, hân hoan với nhiều điều mong ước tốt đẹp nhất trong những ngày sắp bước sang năm mới.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/nao-nuc-chao-don-mua-giang-sinh-an-lanh-629403/