Não nhân tạo lớn gần bằng não người, giúp điều trị 'bá bệnh'

Các nhà khoa học tại Đại học bang Ohio (Mỹ) công bố đã tìm ra cách phát triển bộ não nhân tạo có kích thước gần bằng não người hoàn chỉnh.

Harvard gọi đây là một thành tựu vĩ đại, một bước nhảy vọt trong nỗ lực điều trị bệnh ung thư, tự kỷ, Parkinson và Alzheimer.

CNN đưa tin, về kỹ thuật những bộ não nhân tạo này không được gọi là “não” mà được gọi là “cơ quan tế bào não”. Đó là những mô từ tế bào da được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học có thể sử dụng những mô dài 2-3mm này để thử nghiệm thuốc và các phương pháp điều trị khác có thể ngăn ngừa, chữa trị những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay.

Ngoài bệnh Parkinson, tự kỷ, Alzheimer, bộ não nhân tạo là chìa khóa giải mã bí ẩn của bệnh tâm thần, động kinh, tổn thương não và rối loạn sau tổn thương.

Bộ não nhân tạo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có hầu như đầy đủ các đặc điểm của não người

Bộ não nhân tạo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có hầu như đầy đủ các đặc điểm của não người

Tiến sỹ Sanjay Gupta - phụ trách chuyên mục Y tế của CNN - phát biểu “Ý tưởng đưa tế bào da trở về giai đoạn phát triển ban đầu rồi “dạy” chúng cách biến đổi thành tế bào não là điều con người đã mơ đến từ lâu.

Nay giấc mơ đó sắp trở thành hiện thực. Những bộ não nhân tạo này sẽ giúp bác sỹ tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”.

Theo tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học đã phát triển các “cơ quan tế bào não” trong phòng thí nghiệm trong chưa tới 10 năm. Nhật Bản là nước đầu tiên lấy tế bào từ chuột và người để tạo ra mô hình nhân tạo của vỏ não.

Năm 2011, Madeline Lancaster - nhà khoa học thuộc viện Công nghệ sinh học tế bào Vienna - đã phát triển được bộ não đầu tiên.

CNN dẫn lời Rene Anand - chuyên gia nghiên cứu y sinh thuộc Đại học bang Ohio rằng thành tựu của nhóm nghiên cứu của ông tạo nên sự khác biệt bởi các “cơ qua tế bào não” này chứa đến 98% thành phần của não người trong giai đoạn bào thai được 5 tuần tuổi.

Ông còn cho biết ưu tiên hàng đầu của nhóm nghiên cứu là sử dụng thành tựu này để nghiên cứu chuyên sâu về bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, ông Anand cũng nhanh chóng nhận ra rằng đây mới chỉ là gai đoạn đầu tiên của quá trình nghiên cứu. “Mô hình càng sớm được nhân rộng sẽ giúp các nhà khoa học tìm ra phương pháp điều trị dạng tự kỷ sớm trong 10 năm. Ngay lúc này, chúng ta mới chỉ ở Trại I trên đỉnh Everest. Bạn phải nhanh chóng lấy bình oxy để đi tiếp bởi quãng đường còn rất xa”.

Các “cơ quan tế bào” não này cũng đặt ra cho cáo nhà khoa học nhiều câu hỏi.

Thứ nhất, thành tựu này có thể chứng minh các nhà khoa học có thể phát triển mô hình não người thu nhỏ không?

Theo ông Anand, các nhà khoa học sử dụng cáo tế bào da để phát triển “cơ quan tế bào não” ở giai đoạn bào thai nhưng chưa thể phát triển chúng đến kích thước của não người hoàn chỉnh. Một bộ não hoàn chỉnh cần hệ thống mạch máu và các thành phần khác. Các nhà khoa học hiện chưa có khả năng làm được điều này và cũng không có ý định tiến xa như thế.

Thứ hai, các “cơ quan tế bào não” có thể đóng góp như thế nào trong việc tìm ra các phương pháp điều trị mới?

Tiến sỹ Rudolph Tanzi - Chuyên gia nghiên cứu tiên phong về bệnh Alzheimer tại Đại học Harvard - cho biết các nhà khoa học có thể sử dụng các “cơ qua tế bào não” để mô phỏng những tổn thương não do bệnh Alzheimer và Parkinson, qua đó tìm ra phản ứng của não bộ trước những phương pháp điều trị hay những loại thuốc mới.

Tuy nhiên, các “cơ quan tế bào não” này phải có cấu trúc như não bộ của bệnh nhân thuộc độ tuổi có thể mắc bệnh Alzheimer hoặc Parkinson.

Thứ ba, các “cơ quan tế bào não” này có “khả năng nhận thức” không?

Theo tiến sỹ Tanzi, điều này sẽ không xảy ra bởi các “cơ quan tế bào não” này không thu nhận được phản hồi từ các giác quan như não bộ thực sự. Não bộ thực sự tiếp nhận, giải mã, hợp nhất thing tin từ các giác qua.

Thứ tư, về lý thuyết, các “cơ quan tế bào não” này có thể giúp tạo ra những cỗ máy có trí thông minh nhân tạo với bộ não như con người không?

CNN dẫn lời Tiến sỹ Tanzi rằng “Nếu trong tương lai chúng ta tìm ra cách đưa bộ não vào một cỗ máy có trí thông minh nhân tạo có khả năng thu nhận thông tin từ các giác quan thì đó sẽ là một vật lai có trí thông minh thông tạo với não bộ thực sự. Đây là chuyện chỉ có trong các bộ phim viễn tưởng. Nếu muốn thực hiện hóa câu chuyện này thì chúng ta còn phải đi một quãng đường rất xa”.

Thứ năm, mất bao lâu để ccc “cơ quan tế bào não” tạo bước đột phá?

Tiến sỹ Tanzi phát biểu “Có thể là 10 năm bởi chúng tôi phải thử nghiệm các “cơ quan tế bào não” này ở nhiều phòng thí nghiệm với nhiều căn bệnh. Nếu thử nghiệm tại đúng phòng thí nghiệm thì thời gian có thể giảm xuống 5 năm”.

Hiếu Hồ (Theo CNN)

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nao-nhan-tao-lon-gan-bang-nao-nguoi-giup-dieu-tri-ba-benh-583481.html