Nao nao khi gió gọi mùa...

Mỗi mùa gió Chướng về, chúng mang theo tuổi thơ trẻ của chúng ta ra đi. Cứ thế, theo qui luật muôn đời, lớp người này, kế tiếp lớp người khác, đều để tuổi xuân ở lại, để rồi đôi lúc ngậm ngùi, nuối tiếc một thời xuân trẻ đã đi qua.

Mỗi năm, trước những ngày giáp Tết, tiết trời lại phát đi tín hiệu báo, biết: đông đang dần tàn và xuân sắp đến. Một trong những thông điệp báo hiệu chuyển mùa, khiến nhiều người nao nao đó là gió Chướng. Có lúc bời lời, rồi khi nhẹ nhàng mơn man, gió Chướng về vào mỗi sớm mai, kèm theo tiết trời se se, làm lòng người buâng khuâng, xen lẫn nhiều dự cảm. Ở vùng nông thôn, hình ảnh – biểu trưng tiễn đông, đón xuân hiện rõ mồn một: nào là so đũa trổ bông; lục bình và cả đậu rồng cũng e ấp khoe nụ.

Ai ở đồng, hoặc từng ở đồng, mỗi khi gió Chướng về (người Nam bộ gọi là gió Chướng, người miền Bắc gọi là gió mùa Đông Bắc) đều nghe lòng rưng rưng, thổn thức. Bởi gió Chướng mang theo cái lanh se se, báo hiệu đất trời đang chuyển mùa. Những hình ảnh đồng nội, bình dị, song rất đỗi gần gũi, thân thương luôn hiện hữu. Ở đó, nhiều loài cây cỏ đặc trưng e ấp, căng nụ và tiếng chim lảnh lót giữa ngày đông, mãi lưu giữ trong ký ức, trong tâm hồn thơ trẻ.

Với phương Nam, từ cuối tháng 10, mưa dầm giảm dần, nhường chỗ ánh nắng chói chang. Đất trời vun đắp cho hàng cây so đũa trước sân, đám lục bình dưới ao sau nhà vả cả dàn đậu rồng ba trồng… e ấp nở hoa, đơm trái. Những hình ảnh chớm mùa đông, luôn về đúng hẹn ở quê tôi. Ngày trước, chưa có đường giao thông, bông so đũa, bông lục bình và cả trái đậu rồng, đều tự sản, tự tiêu, bây giờ, đường nối đường - nhịp cầu đưa rau xanh ở đồng, đến chợ, thế là rau đồng, trở thành đặc sản của không ít quán ăn, nhà hàng.

Bông so đũa. (Ảnh khai thác)

Bông so đũa. (Ảnh khai thác)

Gió Chướng về, là lúc người ở quê chống xuồng ra ruộng câu cá. Mồi câu là những con tép rong bé tíu, trộn cám. Sau đó, chọn một góc kênh, mương sâu, trên mặt nước lơ thơ mấy đàm lục bình, liền thả lưỡi câu xuống, ít phút sau, cá tìm đến…cứ thế, giựt lên những con cá rô, to gần bàn tay. Ngày trước, ruộng mọc nhiều bông súng, gió Chướng về, bông súng bật gốc, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, làm nguồn thức ăn khoái khẩu cho đám cá rô, nên chúng vừa lớn nhanh, thân cá vàng rượm, béo mềm.

Năm nay, trước mùa Chướng, tiết trời hết mưa, bão, đến triều cường, nước dâng trắng đồng. Thủy thấn nhấn chìm nhiều đồng lúa chín, như nhấn chìm cả niềm vui của người trồng lúa. Những bầy chim cuốc theo gió về đồng, chúng trú ẩn trong những lùm cây ven ruộng, sáng, chiều cất tiếng gọi bầy “cuốc, cuốc...” – thanh âm da diết ấy, nao lòng làm sao!

Mỗi mùa gió Chướng về, chúng mang theo tuổi thơ trẻ của chúng ta ra đi. Cứ thế, theo qui luật muôn đời, lớp người này, kế tiếp lớp người khác, đều để tuổi xuân ở lại, để rồi đôi lúc ngậm ngùi, nuối tiếc một thời xuân trẻ đã đi qua.

Bức tranh làng quê Nam Bộ. (Ảnh: Nhân Dân)

Dù ngày, ngày, chúng ta đều bóc lịch – quỹ thời gian của tháng, của năm theo đó vơi dần, nhưng đến khi gió Chướng nhẹ nhàng lướt qua cành cây, ngọn cỏ, mọi người thảng thốt...

Thế là sắp hết một năm! Rồi ai cũng tự nhắc: phải tăng tốc: Nhanh lên, cố lên, kẻo không kịp việc này, việc nọ, việc kia. Khi bước vào tuổi trung niên, thẳm sâu trong tiềm thức, mỗi người đều nhận ra, cần chạy đua với thời gian, mới có thể hoàn thành những dự tính, những ước mơ, những kế hoạch của riêng mình.

Đất trời, cứ thế, không hẹn, không chờ lặng lẽ đi qua. Mỗi năm phân định 4 mùa rõ rệt: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Dòng cảm xúc mỗi người cũng tiết phát theo từng mùa. Song có lẽ mùa đông, ai cũng cảm nhận rõ hơn không khí tất tả, vội vã trong guồng quay của cuộc sống. Ngẫm câu phương ngôn “Năm hết, Tết đến”, thêm thấu hiểu: nó không chỉ giục giã thời gian, mà còn hàm chứa đúc kết, đánh giá một đoạn đường đã đi qua./.

CTV Hồ Trúc Điệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/nao-nao-khi-gio-goi-mua-831797.vov