Nao lòng tiếng đánh vần của trẻ có HIV

Một ngày 2 lần, tiếng cười nói râm ran của con trẻ lại vang lên trên con đường xuyên những đồi chè xanh ngát. Ít ai biết rằng đó là những đứa trẻ nhiễm HIV tại trung tâm Bảo trợ xã hội II (Ba Vì, Hà Nội) đang hân hoan tới trường.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các em luôn cố gắng, phấn đấu để có thể hòa nhập với cộng đồng, gieo mầm xanh hy vọng.

Ước mơ cháy bỏng

Những ngày gần đây, Thúy tỉnh giấc khi còn rất sớm. Những năm học Tiểu học, Thúy được các cô giáo của trường tiểu học Yên Bài B vào tận trung tâm Bảo trợ xã hội dạy chữ. Đến năm nay lên lớp 6, được đi học tại trường THCS Yên Bài B, em không khỏi háo hức khi lần đầu được đi học chung với các bạn.

Với mỗi đứa trẻ tại đây mỗi khi năm học mới bắt đầu đều rất đặc biệt.

Không riêng gì Thúy, tất cả những đứa trẻ trong Trung tâm đều háo hức được đến lớp. Những cuốn sách còn thơm mùi giấy mới được các nhà hảo tâm tặng trước khi năm học bắt đầu được các em bọc cẩn thận, xếp gọn gàng và cho vào cặp trước khi đi ngủ.

Tại ngôi nhà mang tên Hướng Dương em đang ở có tất cả 6 đứa trẻ. Trong đó Thúy lớn tuổi nhất nên ngày nào em cũng tự giác dậy sớm gấp quần áo, cùng các thầy cô chuẩn bị bữa sáng cho các em. Sau khi ăn, uống thuốc em tự mặc áo trắng, quàng khăn đỏ.

Khi mặt trời ló rạng cũng là lúc Thúy cùng các bạn đạp xe qua các đồi chè xanh ngát còn ướt hơi sương tới trường THCS Yên Bài B cách đó 2km. Những em nhỏ hơn cũng tung tăng sách vở để tới các lớp trong khuôn viên của Trung tâm. Bởi trong khuôn viên xanh ngát, Trung tâm có đầy đủ lớp học theo nhóm lớp, độ tuổi.

Những em chưa đến tuổi vào lớp 1 sẽ được chăm sóc và hướng dẫn học ngay tại ngôi nhà mà các em đang ở với những cái tên dễ thương như: Thỏ Đế, Dế Mèn, Hướng Dương, Hoa Mai... Cách đó không xa là một dãy nhà nép mình dưới vườn cây xanh mát với 4 phòng học và đầy đủ trang thiết bị dạy học dành cho các bé đến tuổi vào Tiểu học. Trong lớp, các cô giáo từ trường tiểu học Yên Bài B bắt đầu hướng dẫn bọn trẻ bọc sách vở mới còn thơm nguyên mùi giấy mới, mực in. Nhìn bọn trẻ mồ hôi nhễ nhại, hào hứng đón nhận những quyển sách lớp 1, 2 rồi về bàn học ê a đánh vần mà nao lòng.

Quay trở lại với Thúy, em không giấu nổi sự xấu hổ, bẽn lẽn trong lần đầu tiên tới trường học cùng các bạn khác. Sau khi cất xe, em cúi mặt và bước nhanh vào lớp. Sau khi mẹ mất, bố bỏ đi, bà của Thúy đành phải gửi em vào Trung tâm để em được điều trị bệnh và có cuộc sống tốt hơn. Các cô ở Trung tâm cho biết, lúc mới vào Thúy rất nhút nhát, hay khóc và gọi mẹ, nhưng dần dần em cũng đã quen với cuộc sống mới. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Thúy cho hay: “Con hứa sẽ chăm ngoan học giỏi để tương lai có thể trở thành một cô giáo”.

Cô giáo phát sách vở mới cho học sinh.

Cần thêm sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng

Là người có hơn 10 năm gắn bó với các bé tại Trung tâm, chị Đỗ Thị Nhung cho biết, việc chăm sóc các em vô cùng vất vả. Ngoài việc chăm sóc để các em có một cuộc sống như bình thường thì còn phải hỗ trợ để điều trị bệnh cho các em.

“Có bé vào đây khi còn đỏ hỏn, phải nuôi sữa bột ngay từ khi mới sinh ra. Đó là chưa kể sức đề kháng của các con rất yếu, mỗi khi trái gió trở trời là lại bị ốm. Việc điều trị bằng thuốc ARV cũng có tác dụng phụ khiến giảm trí nhớ và mệt mỏi... Các mẹ phải thay nhau chăm sóc, để tạo không khí cho các con như đang sống trong ngôi nhà của mình”, chị Nhung cho hay. Các cháu tuy mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng về mái nhà chung này, các cháu được chăm sóc y tế, được ăn, được học như những đứa trẻ bình thường khác” - ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Trung tâm chia sẻ.

Cơ sở 2 tiếp nhận các cháu nhiễm HIV từ mọi miền của Tổ quốc. Đa phần các cháu đều không còn bố mẹ, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện trong số hơn 70 trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây, có 64 trẻ đang trong độ tuổi đến trường. Nhiều cháu đã quá tuổi phổ cập, phải học hòa nhập.

“Để chuẩn bị cho năm học mới, đến thời điểm này, Thành phố đã hỗ trợ cơ sở vật chất, sách, bút, vở. Các tổ chức có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ trang phục, SGK, sách tham khảo, đồ dùng cá nhân khác cho trẻ. Ngoài ra, đơn vị còn tự liên kết với nhiều tổ chức hỗ trợ xe đạp cho trẻ học THCS.

Phương châm của Thành phố là trong độ tuổi còn đi học, phải bằng mọi cách trang bị kiến thức kỹ năng cho trẻ để trẻ đi học, tái hòa nhập cộng đồng. Có những trẻ quá tuổi phổ cập giáo dục tiểu học nhưng vẫn phải học lớp 1 để hoàn thành cấp tiểu học. Sau bậc THCS, trẻ nào có đủ sức khỏe, có học lực thì tiếp tục động viên các cháu học tiếp THPT để sau này dễ bề học chuyên nghiệp. Nếu không tiếp tục học THPT trẻ được học nghề”, ông Giang khẳng định.

Những đứa trẻ đều mong ước có thể trở về với xã hội và đóng góp cho đời.

Ông Giang cũng cho biết thêm: “Tại cơ sở 2, mỗi cháu một hoàn cảnh éo le nhưng đều có một điểm chung là trước khi vào đây các cháu bị gián đoạn ít nhiều thời gian đi học. Do vậy về đến cơ sở, các cháu được trường tiểu học nơi cơ sở 2 đứng chân là trường Yên Bài B vận động ra lớp để đảm bảo độ tuổi phổ cập và tái hòa nhập”.

Nhiều năm trước, từ 2006 - 2007, việc đưa trẻ từ đơn vị đến trường học hòa nhập với cộng đồng vô cùng khó khăn vì người dân hết sức kỳ thị và có cái nhìn thiếu thiện cảm với nhóm trẻ tại đây. Có người còn chuyển con, em mình sang trường khác học để phản đối việc cho học sinh cơ sở 2 theo học tại trường tiểu học Yên Bài B. Phản đối của người dân lên đến đỉnh điểm khi họ cho rào đường từ cơ sở 2 ra trường học để không cho nhóm trẻ nhiễm HIV đến trường.

Trước những khó khăn như vậy, từ năm học 2012 - 2013, đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất, phòng học để các trẻ học tập tại chỗ. Từ đó đến nay, học sinh cấp tiểu học được học tại đơn vị, nhà trường bố trí 3 giáo viên chuyên trách vào giảng dạy tại cơ sở 2, có tiết các giáo viên dạy ở đây phải thực hiện dạy lớp ghép, kiểm tra các nhóm độ tuổi và năng lực tiếp thu của các em để tiến hành ghép lớp 1+2, 3+4 và lớp 5. Các giáo viên được sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố chi trả lương, phụ cấp đứng lớp ghép, phụ cấp khác theo chế độ hiện hành. Mỗi tuần 1 buổi, các em chỉ ra trường để sinh hoạt dưới cờ vào thứ 2 hàng tuần.

Nói về nỗ lực học tập của nhóm trẻ nhiễm HIV, vị Giám đốc cơ sở 2 phấn chấn: “Hầu hết các cháu đều hoàn thành tốt cấp học, bậc học của mình. Năm học vừa qua có 3 học sinh của trung tâm hoàn thành chương trình THPT và được người nhà định hướng nghề nghiệp. Có cháu đi học đại học, có cháu học nghề ngắn hạn để đi làm luôn. Đơn vị vẫn thường xuyên giữ liên hệ với các cháu để khi các cháu không có việc làm, hoặc khi gặp khó khăn trong cuộc sống, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận lao động nhiễm HIV từ cơ sở 2 vào làm việc để các cháu có thể hòa nhập được với cộng đồng”.

Video: Năm học mới của những trẻ nhiễm HIV:

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nao-long-tieng-danh-van-cua-tre-co-hiv-a402859.html