Não bộ của trẻ bị ảnh hưởng như thế nào nếu bị rung lắc?

Trẻ nhỏ bị rung lắc mạnh có thể làm tổn thương não bộ. Nhẹ thì có thể ảnh hưởng đến trí óc, khiến trẻ chậm phát triển, không tiếp thu được bài vở; nặng thì có thể gây mù lòa, tê liệt, thậm chí là tử vong.

Những ngày qua, mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin người giúp việc bạo hành cháu bé hơn một tháng tuổi ở Hà Nam. Những đoạn video ghi lại cảnh nữ giúp việc lớn tuổi này không ngừng có những hành động quăng quật, rung lắc, đánh vào đầu đứa trẻ lại càng khiến dư luận bức xúc hơn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, sau khi xem clip cũng cảm thấy bất bình. Ngoài hành vi của người giúp việc, điều bác sĩ Dũng lo ngại là sức khỏe của em bé khi liên tục bị tung hứng như vậy.

“Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng có thể dẫn đến tử vong cho trẻ”, bác sĩ Dũng nói.

Đứa trẻ bị rung lắc mạnh trong clip người giúp việc bạo hành cháu bé hơn 1 tháng tuổi.

Đứa trẻ bị rung lắc mạnh trong clip người giúp việc bạo hành cháu bé hơn 1 tháng tuổi.

Một đứa trẻ mới hơn một tháng tuổi cơ thể còn mỏng manh, yếu ớt, chưa hề biết gì, không thể phản kháng lại bị một người phụ nữ đã có 4 người con, đã từng làm mẹ hành hạ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt hành động rung lắc trẻ sơ sinh là vô cùng nguy hiểm, khiến trẻ có thể để lại di chấn về sau.

Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, hội chứng rung lắc trẻ em (AHT) là chấn thương não nghiêm trọng khi trẻ em bị rung lắc quá mạnh. Đây có thể coi là một dạng bạo hành khi bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có những hành động xốc mạnh, rung lắc mạnh hoặc đánh đập mạnh vào em bé khi thấy bé khóc. Trẻ càng nhỏ thì mức độ nguy hiểm càng cao.

Nghiên cứu ở Mỹ, trong 100.000 trẻ em thì có 30 trẻ dưới 1 tuổi mắc hội chứng rung lắc, khiến 1.200 trẻ bị chấn thương não nặng và ít nhất 80 trẻ tử vong mỗi năm.

Trẻ bị rung lắc ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ.

Do não bộ trẻ sơ sinh chỉ bằng 25% não bộ người lớn, vì thế sẽ có những khoảng trống giữa não và xương sọ. Não của trẻ sơ sinh khá mềm với màng não mỏng. Ngoài ra, các cơ cổ của trẻ cũng còn yếu. Khi bị rung lắc mạnh, não trẻ dễ xảy ra tình trạng va đập với xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù não và chảy máu não. Các tĩnh mạch bên ngoài cũng dễ rách, gây chảy máu, tụ máu dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ, từ đó làm chấn thương não bộ.

Cổ trẻ sơ sinh rất yếu, chưa nâng đỡ được đầu, vì thế mỗi khi bế trẻ, người lớn phải đỡ đầu cho bé. Những cử chỉ âu yếm tung đỡ con trẻ đã vô tình làm bé bị chảy máu não, lâu ngày tiêu hủy thành dịch tồn tại ở dạng nang gây chèn ép, làm ảnh hưởng đến chức năng não, thậm chí vôi hóa gây ra các triệu chứng của động kinh.

Hậu quả của hội chứng rung lắc trẻ em là không thể lường trước được. Nhẹ thì có thể ảnh hưởng đến trí óc, khiến trẻ chậm phát triển, không tiếp thu được bài vở; nặng thì có thể gây mù lòa, tê liệt, thậm chí là tử vong.

Điều đáng nói là, chỉ cần rung lắc trẻ từ 5-15 giây thôi là đã đủ gây ra các tổn thương lớn.

Cách phòng tránh hội chứng trẻ bị rung lắc

Để ngăn ngừa hội chứng này, cha mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; không bao giờ bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa với con; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ. Những lúc bạn quá vui, quá giận, mất bình tĩnh dễ gây những động tác xốc lắc mạnh tay, vì thế, bạn cần lưu ý kiềm chế. Không nên để người đang tức giận bế ẵm trẻ.

Mỹ An (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/nao-bo-cua-tre-bi-anh-huong-nhu-the-nao-neu-bi-rung-lac-a210609.html