Nâng vốn dự án trọng điểm: Nếu chọn cách… nhàn thân

Chưa thấy lý do thuyết phục cho dự thảo quy định dự án trọng điểm quốc gia có số vốn trên 20.000 tỷ đồng. Liệu có nên gật đầu?

Không gây giật mình như con số 35.000 tỷ đồng, nhưng quy định dự án trọng điểm quốc gia có số vốn trên 20.000 tỷ đồng được đề xuất trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng khó thuyết phục. Quả thật, những biện giải đưa ra chưa đủ sức thuyết phục. Chỉ số CPI tăng 15%, GDP tăng 37% so với thời điểm năm 2014, quy mô các dự án đầu tư công lớn hơn… không thể là lý do chính đáng cho việc tăng quy mô dự án lên gấp đôi. Đó là chưa kể, ngay ở quy mô 10.000 tỷ đồng hiện tại, trong suốt giai đoạn 2016-2020, các vị đại biểu Quốc hội cũng chỉ phải thông qua có 2 dự án! Giả sử, ai đó vội vàng gật đầu với đề xuất nêu trên, sẽ không quá đáng khi nhận định, các dự án đầu tư công đang muốn né tránh bàn tay bấm nút biểu quyết cũng như con mắt giám sát của những người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của gần 100 triệu người dân.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại với đề xuất nâng vốn dự án trọng điểm quốc gia lên 20.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại với đề xuất nâng vốn dự án trọng điểm quốc gia lên 20.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên mà suy nghĩ có phần không tích cực này lại nhận được nhiều sự đồng tình. Người ta vẫn còn ám ảnh với bóng ma của 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương, trong đó Gang thép Thái Nguyên đang cất lời kêu cứu thương tâm. Hai chữ “giá như…” vẫn thường được thốt lên, bởi nếu được quản lý theo một quy trình chặt chẽ hơn, những sai sót, thất thoát, lãng phí dù do vô tình hay chủ quan sẽ giảm thiểu. Cùng với đó, sẽ bớt đi nhiều công bộc vướng vòng lao lý khi ít ra họ cũng được quyền lựa chọn không trở thành một mắt xích chệch choạc trong guồng quay thất thoát tiền đầu tư. Ngược lại, giả sử nếu 12 đại dự án nói trên được giúi thêm hàng ngàn tỷ đồng đầu tư theo cách tránh được sự soi xét của những vị đại biểu công tâm, thì thiệt hại cho ngân sách chắc sẽ còn cao hơn nhiều. Nỗi đau nhân lên gấp bội bởi chúng ta vẫn đang là một nước nghèo.

Từ nhiều năm nay, nghịch lý nhà ít tiền tiêu hoang đâu đó vẫn tồn tại như một mũi gai đâm thấu bàn tay đã chai sần vì lao động của nhiều người dân Việt. Gánh nặng nợ công đã tăng lên đến 35 triệu đồng/người năm 2018 và vẫn trong đà tăng, đặc biệt khi chúng ta đã và sẽ vẫn phải vay để trả nợ và đảo nợ với mức lãi suất cao hơn các khoản nợ cũ tương đối nhiều. Xét về khả năng trả nợ, phần tài nguyên đã khai thác thì ‘một đi không trở lại’, trong khi bẫy thu nhập trung bình đã thấp thoáng trong những năm tới. Việc thắt lưng buộc bụng được đề cập đến độ… nhàm tai, nhưng có vẻ như đó vẫn chỉ là câu chuyện nói xong rồi để đấy. Trong bối cảnh này, điều tối thiểu cần làm là không tạo thêm bất cứ một cơ hội nào khiến tiền lọt kẽ tay.

Đến đây, xuất hiện một phản bác không phải hoàn toàn vô lý. Trong nhiều năm trở lại đây, chi thường xuyên luôn chiếm xấp xỉ 70% chi ngân sách, đồng nghĩa khoản chi cho đầu tư luôn ở mức dưới 30%. Chúng ta không có quá nhiều tiền, trong khi luôn có một hàng dài các dự án cần phải đầu tư. Không phải dễ dàng để có vài chục ngàn tỷ đồng đầu tư cho một dự án, vì vậy sửa đổi lần này chỉ để chờ cho tới lúc nền kinh tế Việt Nam đã thực sự ‘hóa hổ, hóa rồng’.

Tiếc là quan điểm này lại vấp phải một thực tế rành rành, chúng ta đang trong kế hoạch xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam, với số vốn ước tính 230.000 tỷ đồng, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ước tính tốn 1.344.459 tỷ đồng. Theo báo cáo về Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu công bố giữa năm 2017, từ đó tới năm 2040, Việt Nam cần tới 605 tỷ USD (ước tính gần 14 triệu tỷ đồng) để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Chắc chắn, Việt Nam sẽ có thêm rất nhiều những dự án đầu tư cỡ lớn, như vậy việc quản lý chặt đầu tư công không phải là chuyện của tương lai.

Đặc biệt, việc thu xếp các nguồn vay để thực hiện các mục tiêu đầu tư là điều tất dĩ ngẫu. Chúng ta đã nếm trải quá nhiều bài học trong việc sử dụng vốn vay đầu tư cho các công trình giao thông. Trái đắng không chỉ đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc, mà còn gọi tên các doanh nghiệp, tổ chức tài chính Hàn Quốc, Nhật Bản. Khi nguyên nhân căn cốt chính là những yếu kém của phía Việt Nam trong việc vay và quản lý, sử dụng vốn vay, nếu tháo vòng kim cô cho các dự án trên 10.000 tỷ đồng sẽ tạo ra một lỗ đen lớn khiến các sai lầm cũ rộng đường lặp lại.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/nang-von-du-an-trong-diem-neu-chon-cach-nhan-than-3378317/