Nâng vị thế Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới cũng được cải thiện nhờ vào các chính sách hỗ trợ khoa học thiết thực đến từ cơ quan quản lý Nhà nước và các trường ĐH, trong đó có việc tăng cường chế độ khen thưởng và đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học trong một trường ĐH

Nghiên cứu khoa học trong một trường ĐH

Chú trọng chính sách khen thưởng

Cơ chế khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong môi trường ĐH đã được luật định từ lâu. Năm 2018, Bộ GD&ĐT ra quyết định số 2981/QĐ-BGDĐ về việc thưởng bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE năm 2017 với tổng số tiền thưởng là 5 tỉ đồng, mức thưởng tối thiểu cho một bài báo là 2 triệu đồng.

Tiếp nối chính sách khuyến khích khoa học của cơ quan quản lý Nhà nước cấp cao nhất, ĐHQG-HCM đã hướng dẫn việc thưởng cho hoạt động khoa học công nghệ với mức thưởng tối đa 30 lần mức lương cơ sở cho một công trình (tương đương 40 triệu đồng). ĐHQG-HN cũng có cơ chế tương tự.

Trong các thành viên thuộc ĐHQG-HCM, Đại học Kinh tế Luật (UEL) là một trường chú trọng nghiên cứu khoa học điển hình khi ra quyết định ngày 18/9/2018 nâng mức thưởng lên gấp 14 lần. Trước đó, bài báo khoa học đăng tạp chí ISI của một nhà khoa học thuộc UEL chỉ được thưởng 10 triệu đồng và đây là mức tối đa. Sang năm 2018, theo quy định mới, bài báo do nhà xuất bản uy tín ấn hành cũng được thưởng mức tối thiểu 20 triệu đồng. Riêng bài đăng tạp chí ISI đạt chất lượng khoa học theo tiêu chuẩn có thể nhận mức thưởng 140 triệu đồng.

Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG-HN ngay từ năm 2010 đã có chính sách hỗ trợ 5 - 10 triệu đồng/bài báo quốc tế và 15 triệu đồng/bài đăng trên tạp chí thuộc ISI và Scopus có chỉ số trích dẫn cao. Năm 2018, nhà trường hỗ trợ từ 100 - 250 triệu đồng cho các sách chuyên khảo và kỷ yếu hội thảo khoa học được công bố quốc tế.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM sẵn sàng chi từ 30 triệu đến 200 triệu đồng cho một bài công bố trên dữ liệu ISI, Scopus, ABDC. Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên tuyên bố thưởng 20 triệu cho cá nhân có công bố ISI mà không được hỗ trợ kinh phí của bất kỳ cơ quan nào. ĐH Duy Tân tuy là một trường ĐH địa phương ở Đà Nẵng nhưng luôn nằm trong top đầu danh sách nghiên cứu khoa học của cả nước. Mặc dù không thuộc hệ thống ĐHQG và mới nổi nhưng ĐH Duy Tân chi thưởng hằng năm cho các cá nhân có kết quả nghiên cứu xuất sắc từ 45 triệu đồng đến 225 triệu đồng. Ngoài mức thưởng hậu hĩnh, Trường ĐH Duy Tân còn áp dụng chính sách hỗ trợ thêm kinh phí 5 triệu đồng/tháng đối với giảng viên làm nghiên cứu sinh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài.

Ảnh minh họa

Vẫn còn bất cập

Nhờ các chính sách thiết thực, thành quả công bố quốc tế của nhiều trường ĐH được cải thiện trong một thời gian ngắn. Ở UEL, số lượng công bố quốc tế trong năm học 2017 - 2018 tăng đến 34 bài. ĐH Tôn Đức Thắng dẫn đầu danh sách các trường ĐH Việt Nam có công bố đăng trên Scopus giai đoạn 2017 - 2018 với con số ấn tượng gần 1.200 bài. ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG-HN cũng tăng thêm 22 bài công bố quốc tế so với năm 2017. Số lượng công bố trên ISI của Việt Nam không ngừng tăng trưởng, vị thế khoa học vì thế cũng được cải thiện liên tục từ năm 2013 đến nay, chỉ xếp sau Thái Lan, Malaysia và Singapore tại khu vực ASEAN, dịch chuyển từ hạng 66 lên hạng 49 thế giới.

Trên cơ sở giao quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, một số trường ĐH tự chủ đã có định hướng phát triển khoa học công nghệ rõ ràng, các nghiên cứu có tính ứng dụng cao và kinh phí phân bổ cho hoạt động này khá lớn. Một số trường khác xem phát triển khoa học công nghệ là mũi nhọn để tạo ra nguồn thu cho hoạt động nội bộ. Cụ thể, số lượng các công trình được công bố của 12 trường ĐH tự chủ được khảo sát tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2016.

Mặc dù quá trình nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế được cải thiện nhờ các chính sách tiến bộ nhưng quan sát bản đồ khoa học Việt Nam sẽ thấy thành quả chỉ được phân chia vào một số trường trọng điểm và điều này duy trì từ nhiều năm qua. Các chuyên gia cũng đánh giá hoạt động khoa học ở các trường ĐH còn gặp một số bất cập. GS.TS Nguyễn Thị Cành của UEL thừa nhận trong tài liệu về Công bố quốc tế do ĐHQG-HCM ấn hành hồi đầu tháng 1/2019 như sau: “Trong các trường ĐH, đa số giảng viên dành thời gian cho nghiên cứu ít, do thiếu đam mê, thu nhập từ nghiên cứu thấp so với thu nhập giảng dạy. Nghiên cứu có phạm vi quá rộng, không chuyên sâu, cách tiếp cận chủ yếu dựa vào tài liệu quá khứ, tổng hợp lại các ý kiến trước đó”.

Tinh thần “Publish or perish” (công bố hay là chết) vẫn chưa được đề cao ở môi trường học thuật trong nước. Năng lực tiếng Anh học thuật hạn chế, thiếu kỹ năng viết bài chuyên môn, không có tinh thần phản biện, thiếu sự đầu tư thỏa đáng về thời gian, sức lực và chất xám là những yếu tố khiến cho bài viết của các nhà khoa học Việt Nam được đăng tải ít hơn các nước khác. Một nhà khoa học khác từ UEL là PGS.TS Phan Đức Dũng cũng khẳng định nếu tác giả nghiên cứu chỉ được đào tạo trong nước thì việc công bố quốc tế gặp rất nhiều khó khăn so với các trường hợp được đào tạo từ nước ngoài, nhận sự hỗ trợ từ các nhà khoa học trên thế giới trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Tài liệu về Công bố quốc tế của ĐHQG-HCM cũng chỉ ra có nhiều Viện nghiên cứu sở hữu hàng chục cơ sở nghiên cứu, đội ngũ khoa học hùng hậu nhưng chỉ đóng góp khoảng hơn 10 công trình. Hoặc có nhà khoa học tích cực đóng góp nhưng lại không được xem xét đầy đủ trong quá trình bình duyệt.

Đâu là giải pháp?

TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng các trường ĐH phải có sự phân tích, tính toán để đầu tư cho nghiên cứu một cách hợp lý. Chẳng hạn như giảng viên phải phân thành 3 loại: chuyên giảng dạy lý thuyết (85% là giảng dạy - 15% là nghiên cứu), vừa giảng dạy vừa nghiên cứu (50% giảng dạy - 50% nghiên cứu), chuyên nghiên cứu (15% giảng dạy - 85% nghiên cứu).

“Nếu phân định rõ ngay từ đầu thì đội ngũ giảng viên làm công tác giảng dạy lẫn nghiên cứu sẽ không có chuyện dạy hay nghiên cứu khoa học chỉ để đối phó, hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, trong nghiên cứu cũng rạch ròi giữa hàn lâm và ứng dụng. Nếu nghiên cứu hàn lâm thì kết quả phải là bài báo quốc tế (ISI/SCOPUS), còn ứng dụng thì phải là sản phẩm ứng dụng chuyển giao, bằng sáng chế quốc tế”, TS Lê Văn Út nói.

TS Lê Văn Út nhận định đa số (gần 80%) công bố khoa học từ Việt Nam là thành quả hợp tác quốc tế. Vì vậy, các trường ĐH nên cân nhắc cơ chế để đưa các nhà nghiên cứu trẻ ra nước ngoài học tập kết hợp nghiên cứu khoa học. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần có quy định để các trường ĐH (kể cả ngoài công lập) được sử dụng chung các phòng nghiên cứu do Nhà nước đầu tư nhằm vừa tăng hiệu quả đầu tư, vừa tránh thiệt thòi cho các trường ngoài công lập.

Về cơ chế, liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cần phối hợp thay đổi mô hình đầu tư cho khoa học công nghệ của các trường ĐH, không phân biệt giữa trường công và trường tư, chỉ hướng tới sản phẩm đầu ra của hoạt động nghiên cứu. Các chương trình nghiên cứu phải hướng tới tạo ra sản phẩm phục vụ đào tạo nhân lực và ứng dụng trực tiếp cho xã hội, đồng thời gắn với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới.

Cơ chế phân bổ ngân sách nên theo mô hình quỹ đầu tư đặt hàng. Nghĩa là kinh phí sẽ được đưa về quỹ và đặt hàng theo yêu cầu thực tế, không bị áp lực giải ngân. Bên cạnh đó, trường ĐH có thể huy động vốn, hợp tác sử dụng nguồn lực, trang thiết bị của các doanh nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Hoặc nhà trường thành lập hẳn một doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyên kết nối các nguồn đầu tư và tiếp thị sản phẩm khoa học với thị trường.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nang-vi-the-viet-nam-tren-ban-do-khoa-hoc-the-gioi-4006657-b.html