Nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài: Cổ phiếu hàng không sẽ được hỗ trợ?

Các chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nới lỏng sẽ hỗ trợ cổ phiếu ngành hàng không trong trung hạn.

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề nghị nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các hãng hàng không từ mức 30% như hiện tại lên 49%.

Bên cạnh việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Dự thảo Nghị định mới cũng sẽ xóa bỏ sự phân biệt về yêu cầu vốn điều lệ giữa các hãng bay khai thác tuyến nội địa và tuyến quốc tế để tạo tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, Dự thảo Nghị định mới yêu cầu tất cả các hãng hàng không khai thác từ 11 đến 30 máy bay phải có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng (44 triệu USD), trong khi hãng hàng không với hơn 30 máy bay cần phải có vốn tối thiểu 1.300 tỷ đồng (57,3 triệu USD), không phân biệt về khai thác chuyến bay quốc tế hay nội địa.

Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định mới cũng đề xuất một pháp nhân hợp pháp hoặc công dân Việt Nam phải sở hữu phần vốn điều lệ lớn nhất của một hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài đang khai thác chuyến bay nội địa tại Việt Nam. Đồng thời bỏ yêu cầu về đại diện pháp lý của hãng hàng không bắt buộc phải là công dân Việt Nam.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vndirect cho rằng, Dự thảo Nghị định này phản ánh những nỗ lực của Chính phủ để tăng sự hiện diện vào Thị trường Hàng không Thống nhất ASEAN (ASEAN Single Aviation Market ASAM), hay còn gọi là “Hiệp định Bầu trời mở” đã được các quốc gia thành viên phê chuẩn từ tháng 4/2016. “Bầu trời mở” là chính sách về hàng không trong khu vực nhằm thiết lập thị trường hàng không thống nhất ở Đông Nam Á.

Hai đặc điểm cơ bản nhất của “Bầu trời mở” là mở rộng tiếp cận thị trường cho tất cả các nước tham gia và nới lỏng tỷ lệ sở hữu của các hãng hàng không cũng như quy định kiểm soát.

“Các nước láng giềng như Singapore và Thái Lan đã có những bước đáng kể để tự do hóa hoàn toàn sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không trong khu vực. Trong khi đó, Indonesia, Malaysia và Campuchia cũng đã nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49%. Đây sẽ là bài toán với Việt Nam khi đưa ra quyết định nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”, một chuyên gia cho hay.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, nền tảng vốn đa dạng có thể tăng cường sức mạnh cho ngành hàng không Việt Nam, bởi lẽ Việt Nam được xem là một trong những thị trường hàng không năng động nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, với số lượng hành khách đạt tăng trưởng kép 19,9% trong giai đoạn 2013-2017.

Theo đại diện của Vndirect, việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các hãng hàng không nội địa sẽ làm giảm chi phí vốn và cho phép các DN này tăng số tàu bay, do đó sẽ đạt được lợi thế quy mô và hiệu ứng mạng từ mở rộng tuyến bay.

“Thay đổi về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tạo cơ hội cho các DN mới như Bamboo Airlines (chưa niêm yết) hợp tác với các hãng hàng không nước ngoài và chiếm được thị phần từ các đối thủ đi trước”, vị này nói và cho biết thêm: Trong số 4 hãng hàng không nội địa hiện tại, Jetstar Pacific (chưa niêm yết) là công ty liên doanh giữa Vietnam Airlines (HVN) và Quantas Airways (nắm giữ 30% cổ phần); ANA Holdings (Nhật Bản) là đối tác chiến lược của HVN với 8,8% cổ phần; Vietjet Air (VJC) không có nhà đầu tư chiến lược nào cho đến nay nhưng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang gần đạt giới hạn do sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính nước ngoài.

VJC gần đây đã nhận được chấp thuận từ các cổ đông để nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 49% tại Đại hội cổ đông vào 20/4 (khi quy định mới có hiệu lực). Nếu nhà nước chấp thuận tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới thì VJC sẽ tiến gần hơn đến niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Trong khi đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ tạo cơ hội cho HVN để bán cổ phần cho ANA của Nhật Bản và đáp ứng mục tiêu giảm cổ phần của nhà nước xuống còn 51,0% từ 86,1% vào năm 2020.

Các chuyên gia phân tích chứng khoán cũng cho rằng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nới lỏng sẽ hỗ trợ cổ phiếu ngành hàng không trong trung hạn.

“Chúng tôi cho rằng một số cổ phiếu hàng không, như HVN, có thể sẽ được hỗ trợ về tâm lý thị trường do tự do hóa về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư chiến lược chính ANA gia tăng cổ phần trong công ty bằng cách mua thêm cổ phiếu với giá cao hơn. Ngoài ra, việc đẩy mạnh sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như ANA sẽ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh của HVN trong tương lai. Tuy nhiên, về dài hạn, tự do hóa có thể tăng sự cạnh tranh từ các đối thủ do thu hút thêm các hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường nội địa”, đại diện Vndirect nhận định.

Trần Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nang-ty-le-so-huu-nuoc-ngoai-co-phieu-hang-khong-se-duoc-ho-tro-78275.html