Nâng tuổi nghỉ hưu: Tại sao nam tăng 2, nữ tăng 5?

Ngày 29/5 sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án luật trên. Dẫu đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu song nhiều ĐB đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

Nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60 tuổi

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Còn phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

“Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Thẩm tra dự án luật trên, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ đề xuất tăng lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.

Để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác. Bên cạnh đó cần lấy ý kiến rộng rãi, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán.

Dẫu đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm hiện nay, song ĐB Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, nam tăng thêm 2 năm, còn nữ tăng thêm 5 năm vậy có phù hợp với tâm sinh lý của người phụ nữ hay không? “Tại sao không phải nam tăng 2 thì nữ cũng tăng 2, nam tăng 5 thì nữ tăng 5. Do đó cần phân tích rõ hơn tại sao nam tăng 2 còn nữ tăng 5?” - ông Thành đặt vấn đề đồng thời cho rằng, tăng tuổi đối với các lực lượng lao động trong xã hội, còn tuổi nghỉ hưu của lực lượng vũ trang: Quân đội, công an đối với hạ sĩ quan giảm còn 45 tuổi. Như vậy chênh 17 tuổi liệu có công bằng hay không?

Cân nhắc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm

Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa cũng đang có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị không tăng giờ làm thêm vì không phù hợp với xu hướng tiến bộ “tăng lương, giảm giờ làm” và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội và bất lợi cho người lao động trong bối cảnh các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang chững lại, hệ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) có xu hướng tăng. Còn loại ý kiến thứ hai, tán thành với đề xuất của Chính phủ mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.

Trước vấn đề trên, Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.

Theo ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) việc tăng thời gian làm thêm lên 100 giờ cần phải cân nhắc kỹ. “Vì nếu tăng giờ, doanh nghiệp sẽ tận dụng kỹ năng của công nhân lành nghề, trong khi đó số người thất nghiệp đang còn nhiều, nếu tăng giờ làm thêm lên cao quá sẽ mất đi công ăn việc làm của những người khác. Do đó đây là vấn đề đáng băn khoăn”-ông Quyền lo ngại.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giờ làm việc sáng từ 8h30, nhiều ĐB đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất trên và đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành.

M.Loan - H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/nang-tuoi-nghi-huu-tai-sao-nam-tang-2-nu-tang-5-tintuc438186