Nâng tính pháp lý của hộ kinh doanh

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khu vực hộ kinh doanh là 'mảnh đất' màu mỡ cho tham nhũng vặt. Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật doanh nghiệp là bước đột phá. Thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp thì các hộ kinh doanh có thể phải đóng góp nhiều hơn, nhưng sẽ đỡ chi phí không chính thức.

Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, đóng góp gần 30% GDP, nhưng chỉ đóng góp 1,6% ngân sách, đây là con số quá ít.

Nhiều ý kiến cho rằng, bản chất hoạt động của hộ kinh doanh không khác biệt với doanh nghiệp (DN), nhưng sự bất bình đẳng giữa các quy định của hộ kinh doanh và DN đã làm méo mó môi trường kinh doanh và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Vì vậy, để quản lý hộ kinh doanh, việc đưa quy định hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết nhưng phải cân nhắc, để làm sao vừa dễ trong công tác quản lý, không ảnh hưởng đến việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành DN.

Nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp vì lý do phải nộp thuế cao hơn.

Nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp vì lý do phải nộp thuế cao hơn.

Nói về những khó khăn khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, chị T.T.K (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), kinh doanh các mặt hàng nông sản chia sẻ:

“Yêu cầu của DN là hoạt động kinh doanh phải có hóa đơn đầu vào đầu ra, phải kê khai lao động, kế toán, sổ sách... Trong khi đó, nếu tôi lấy hàng ở chợ đầu mối thì có hóa đơn, nhưng nếu thu mua ở nhà vườn, thương lái, thì hóa đơn ở đâu mà họ xuất. Trong khi đó, để có nguồn hàng phong phú, tôi phải lấy hàng ở nhiều nơi khác nhau nên vấn đề hóa đơn thì không thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, việc bán hàng ghi chép vào sổ sách, kế toán hiện nay cũng do tôi thực hiện, nhưng nếu chuyển thành DN thì phải tốn thêm chi phí để thuê người làm việc liên quan kế toán, quyết toán thuế... Trong khi đó việc kinh doanh cũng ổn định, tôi chưa có ý định mở rộng thêm hoạt động nên cũng không muốn chuyển lên DN”.

Còn chị N.K.N (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) kinh doanh cửa hàng ăn uống thì nêu lý do không muốn chuyển thành DN:

Đó là mức thuế của hộ kinh doanh và DN khác nhau. Hộ kinh doanh đang áp dụng mức thuế khoán, doanh thu của hộ kinh doanh vài trăm triệu đồng cũng chỉ đóng thuế vài trăm ngàn đồng một năm, còn DN thì không còn mức thuế khoán mà kê khai thuế hàng tháng, thuế thu nhập DN khá cao, từ 15% đến 20%.

Ngoài ra, về vấn đề lao động, DN cũng yêu cầu khai báo đầy đủ trong khi hộ kinh doanh chỉ thuê lao động ngắn hạn, không ổn định. Đó là chưa kể khi chuyển thành DN thì các thủ tục xin cấp giấy cũng phức tạp như: Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu...

Thực tế cho thấy, mô hình hộ kinh doanh hiện nay chủ yếu rơi vào các hộ kinh doanh truyền thống gia đình, kinh doanh tự phát... với quy mô nhỏ lẻ, bộ máy tổ chức đơn giản, người đứng tên hộ kinh doanh vừa làm sổ sách vừa quản lý, tham gia sản xuất, kinh doanh. Lao động chủ yếu là người thân trong gia đình, lao động thuê ngắn hạn, theo đơn hàng và sản phẩm tiêu thụ chủ yếu chính tại địa phương. Đặc biệt, các thiết bị máy móc lạc hậu, năng suất thấp, vốn đầu tư chủ yếu của cá nhân hay của gia đình. Chính vì vậy, hoạt động hộ kinh doanh không bền vững, dễ rủi ro trong đầu tư, cũng như gặp bất lợi trong huy động vốn.

Trong khi đó, nếu hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN sẽ có lợi thế hơn rất nhiều như: Có tư cách pháp nhân trong các giao dịch, được sử dụng hóa đơn khấu trừ và kê khai thuế theo doanh thu trên hóa đơn, có hệ thống kế toán sẽ dễ dàng kiểm soát chi phí và doanh thu thực hiện phân chia lợi nhuận đối với cổ đông góp vốn tránh xảy ra tranh chấp, dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng để mở rộng kinh doanh...

Trước tình hình đó, nhằm hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 35/NQ-CP, mục tiêu đến năm 2020 xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP.

Mức thuế bất bình đẳng là lý do các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Triển khai Nghị quyết này, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 500.000 DN hoạt động. Thời gian qua, lãnh đạo các quận, huyện và các Sở, ngành TP đã quyết liệt triển khai các giải pháp, vận động các hộ kinh doanh có quy mô, doanh thu lớn chuyển đổi thành DN.

Như tại quận 1, vận động các hộ kinh doanh các ngành nghề ăn uống, khách sạn, may mặc, cắt uốn tóc, cơ sở sản xuất, các hộ kinh doanh ở chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh... các hộ kinh doanh có doanh thu 2 tỷ đồng/năm trở lên, đóng thuế trên 100 triệu đồng/năm chuyển đổi sang DN; Tại quận 7, đa số các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, sử dụng lao động ít, tập trung nhiều là hoạt động cho thuê nhà, nên đối tượng đưa vào vận động lên DN là các hộ kinh doanh có mức khoán doanh thu 80 triệu/tháng trở lên; Tại quận 12, tập trung vận động hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên chủ yếu các ngành nghề: May mặc, dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ...

Mặc dù chính quyền địa phương cũng cam kết sẽ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, thủ tục thuế, năng lực quản trị kinh doanh và kế toán... để hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, nhưng rất nhiều hộ kinh doanh không muốn trở thành DN.

Nguyên nhân chính, đó là bản chất của hộ kinh doanh cũng là DN, nhưng về thuế thì hoàn toàn không bình đẳng với DN. Doanh thu của hộ kinh doanh lên đến vài trăm triệu đồng chỉ đóng thuế vài trăm ngàn đồng/ năm, trong khi DN siêu nhỏ cũng phải đóng thuế thu nhập DN từ 15% đến 20%. Như vậy, quy định về thuế đang tạo cơ chế bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và DN nên hộ kinh doanh không muốn trở thành DN.

Hiện, cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, đóng góp gần 30% GDP, nhưng chỉ đóng góp 1,6% ngân sách là con số quá ít. Nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động suôn sẻ thì hộ kinh doanh hiện cũng đang “gánh” những chi phí không chính thức. Vì vậy, cần phải làm rõ việc có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không. Bởi, việc đặt cả DN và hộ kinh doanh vào cùng một luật thì có mâu thuẫn không, vì đây là hai đối tượng khác nhau hoàn toàn?

Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Giám đốc Công ty Lộc Phát (quận 7) nhìn nhận: “Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, hộ kinh doanh cần có sự quản lý của Nhà nước để phát triển, bảo đảm bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật. Theo tôi, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật DN (sửa đổi) là phù hợp với thực tế”.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khu vực hộ kinh doanh là “mảnh đất” màu mỡ cho tham nhũng vặt. Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật DN là bước đột phá. Thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DN thì các hộ kinh doanh có thể phải đóng góp nhiều hơn, nhưng sẽ đỡ chi phí không chính thức.

Vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9 diễn ra ngày 21/5. Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật DN (sửa đổi). Mặc dù còn những ý kiến trái chiều, song nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật DN, nhằm sớm nâng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh.

Mức thuế bất bình đẳng là lý do các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/nang-tinh-phap-ly-cua-ho-kinh-doanh-598062/