Nâng tỉ lệ tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu

Từ đầu tháng 6 năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, ngay sau đó, TPHCM đã trở thành địa phương thứ hai ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên, sau Đắk Nông. Trước những diễn biến phức tạp của dịch, theo các chuyên gia y tế, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng bệnh bạch hầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, tại Trung tâm tiêm chủng trực thuộc Viện, đã có thêm người đến tiêm chủng mũi vaccine bạch hầu nhưng số lượng chưa đông.

Cũng theo lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, giai đoạn chuyển đổi vắc xin 5 trong 1 cách đây 2 năm, tỉ lệ tiêm mũi 5 trong 1 (có thành phần ngừa bạch hầu) giảm xuống dưới 90%.

“Tuy nhiên, thời điểm giãn cách xã hội vừa qua, cũng có hơn 1 tháng tạm ngưng tiêm chủng, dù chúng tôi đã chỉ đạo tiêm vét nhưng vẫn có một tỉ lệ nhất định sót mũi tiêm hoặc chưa tiêm", PGS.TS Hồng cho hay.

Theo TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân số ca bệnh tại Đắk Nông gia tăng thời gian gần đây là do không tiêm chủng đầy đủ bốn mũi theo lịch tiêm chủng. Cụ thể, hiện khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48- 52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

“Theo đúng quy định, trẻ cần tiêm đủ bốn mũi nhưng trẻ em tại khu vực này, chủ yếu là dân tộc Mông thì mới chỉ tiêm một mũi, miễn dịch kém nên trẻ dễ mắc bệnh và mắc sẽ có diễn biến nặng hơn”, TS. Tấn nói.

Được biết, bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch, khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch;

Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2, sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi 3, sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi 4, khi trẻ 18 tháng tuổi.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bạch hầu, ngày 28/6 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác đã tới điểm tiêm chủng tại thôn 6, đội 2, xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Đây là thôn có 73 hộ với 321 khẩu, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm 98,6%, hộ nghèo chiếm 95,8%. Tổng số người cần tiêm chủng bổ sung vắc xin trong đợt này là 274 người.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đến thăm gia đình có bệnh nhân đã tử vong do bị bệnh bạch hầu ở Đắk Nông. Tại đây, thứ trưởng cũng đã hỏi thăm, chia sẻ những mất mát đối với gia đình bệnh nhân STH (9 tuổi), đồng thời cũng căn dặn gia đình và những người dân nên tiêm phòng đúng lịch, giữ vệ sinh để phòng chống dịch.

Bệnh bạch hầu rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Nếu không được điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho thận, hệ thần kinh trung ương và tim. Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu là khoảng 3% trong tổng số ca mắc bạch hầu.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nang-ti-le-tiem-vac-xin-phong-chong-benh-bach-hau-129079.html