Nâng tầm vị thế phố cổ trong sự phát triển Thủ đô

Thăng Long-Hà Nội đã hằn sâu trong tâm trí của nhân dân Việt Nam với tư cách là Thủ đô ngàn năm văn hiến-nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những tinh hoa văn hóa của quốc gia-dân tộc qua trường kỳ lịch sử. Trong đó, khu phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt, có nguồn lực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng; sự kết hợp hài hòa, sinh động của tổng thể kiến trúc và sự tiện lợi trong cuộc sống hằng ngày đã mang đến nhiều ngạc nhiên thú vị cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội.

“Hồn cốt” của Thủ đô Hà Nội

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, tọa lạc ở vị trí trung tâm đắc địa của Thủ đô. Tổng diện tích khoảng 100ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường. Là nơi hội tụ của 36 phố phường buôn bán sầm uất, có bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi tên phố thường mang đặc trưng của một ngành nghề thủ công truyền thống như: Hàng Bông, Hàng Gai, Lò Rèn, Hàng Đường... Mỗi một con phố đang lưu giữ những nét đặc trưng rất riêng của đất kinh kỳ về những ký ức lịch sử, con người và đất nước. Khu phố cổ có kiến trúc khá độc đáo. Đi ngang qua phố cổ, nhiều ngôi nhà cổ vẫn giữ nguyên những nét rêu phong trước sự thay đổi của không gian và thời gian. Những ngôi nhà ống, thường có sân chung, lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác, với những lối đi nhỏ bên trong căn nhà và gạch xây dựng đã trở thành hình ảnh quen thuộc chẳng lẫn vào đâu giữa lòng Thủ đô.

 Phố cổ Hà Nội trở thành không gian sáng tạo, trình diễn nghệ thuật thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: TÙNG NHI

Phố cổ Hà Nội trở thành không gian sáng tạo, trình diễn nghệ thuật thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: TÙNG NHI

Khu phố cổ Hà Nội chứa đựng “hồn cốt” của kinh đô Thăng Long từ buổi ban đầu bởi một kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử-văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn; các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian; những lễ hội truyền thống đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến. Do đó, năm 2004, phố cổ Hà Nội đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Phố cổ Hà Nội - sự giao thoa giữa bảo tồn và phát triển

Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc riêng có của mình, khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Mặc dù trải qua các đợt trùng tu nhưng phố cổ Hà Nội vẫn bảo tồn được nét văn hóa lịch sử, những bản sắc hấp dẫn toát lên từ những tuyến phố đi bộ, hấp dẫn từ các di tích...

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, với các giải pháp quy hoạch theo định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử vốn có, đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, tạo lập sức hấp dẫn cho Thủ đô. Như vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta cần có những giải pháp gì để có thể nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội.

Năm 2017, Tiến sĩ Saori Kashihara của Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) chủ trì cùng nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Xây dựng và các giáo sư đến từ Trường Đại học Tokyo; Trường Đại học Đồng Tế, Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thực hiện một cuộc khảo sát, nghiên cứu tại 3 tuyến phố: Hàng Buồm, Hàng Đào và Lương Văn Can. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trong công tác bảo tồn di sản, tái tạo đô thị và phát triển bền vững, quận Hoàn Kiếm nói riêng và TP Hà Nội nói chung đã và đang có những giải pháp hiệu quả trong việc bảo tồn, hình thành nên chính sách đặc thù-đó chính là bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng.

Lễ hội múa rồng - một trong những “hồn cốt” của Thăng Long - Hà Nội, diễn ra trên phố đi bộ Hồ Gươm, tháng 10-2020.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều dự án hợp tác bảo tồn, trùng tu nhà cổ trong khu phố cổ đã được thực hiện, nâng cao điều kiện sống cho người dân phố cổ thông qua việc bảo tồn, tôn tạo.

Nâng cao vị thế, vai trò khu phố cổ

Với quan điểm bảo tồn và phát huy những giá trị của phố cổ-vừa bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại theo dạng thức vốn có của nó, vừa có những hành động nhằm đưa di sản vào trong thực tiễn xã hội, coi đó như là nguồn nội lực, tiềm năng góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, mang lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho con người, những năm qua, TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều dự án nhằm phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch trong khu phố cổ như: Triển khai tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Hàng Ngang-Hàng Đường-Đồng Xuân và các tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu vực bảo tồn cấp I-khu phố cổ Hà Nội gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện. Điều này thật sự có ý nghĩa khi Hà Nội đang rất thiếu công viên, quảng trường, khu vui chơi công cộng, nhất là chỗ vui chơi cho trẻ em. Đối với hoạt động du lịch, tác động của phố đi bộ là hết sức rõ ràng. Tháng 9-2016, UBND TP Hà Nội đã cho tiến hành thí điểm việc tổ chức đi bộ xung quanh khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Số liệu thống kê từ năm 2016 cho thấy, số khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng 40% so với năm 2015. Năm 2019, lượng khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận đạt 2,35 triệu lượt, tăng 18,5%/năm; tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm 98% cơ cấu kinh tế của quận Hoàn Kiếm.

Sau 4 năm thực hiện đề án tổ chức đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian đi bộ đã phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh Di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội-Thành phố vì hòa bình-Thành phố sáng tạo, kích cầu phát triển dịch vụ, du lịch thành phố. Năm 2017, đề án đã được tặng Giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội”. Năm 2019, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã trao giải vàng cho đề án trên trong khuôn khổ Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ nhất.

Để xây dựng khu phố cổ gắn kết với Hồ Gươm thành một điểm nhấn không gian, điểm du lịch độc đáo, góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng, vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thành công cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm. Đây là một trong những hạng mục quan trọng, vì vậy, TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện phương án được lựa chọn xứng đáng với quy mô, tầm vóc, giá trị của khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn-Di tích Quốc gia đặc biệt, tạo dấu ấn và biểu tượng văn hóa-lịch sử, góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng khu vực Hồ Gươm, phục vụ tốt nhất cho du khách trong nước và quốc tế. Trục Hàng Khay-Tràng Tiền-Nhà hát Lớn hiện đang là trung tâm đi bộ quan trọng, vì vậy cần kết hợp khai thác kiến trúc hai bên bằng các công trình đã có, cải tạo xây dựng mới các công trình thương mại, dịch vụ có giá trị kiến trúc thẩm mỹ cao để nâng tầm không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, hài hòa trong tổng thể. Vị thế, vai trò của khu phố cổ cần được nâng tầm để tiếp tục coi trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Công tác bảo tồn khu phố cổ đúng hướng sẽ kích hoạt hoạt động thương mại, du lịch, đưa phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị tăng trưởng cao của Hà Nội.

Nhìn tổng quát cho thấy, cùng với khu di sản văn hóa thế giới-Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử-văn hóa (khu vực nội thị), khu phố cũ (kiến trúc thuộc địa Pháp), khu phố cổ sẽ là hạt nhân tạo nên di sản đô thị/thành phố di sản của Hà Nội.

Kiến trúc sư TRẦN NGỌC CHÍNH, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nang-tam-vi-the-pho-co-trong-su-phat-trien-thu-do-640340