Nâng tầm thương hiệu Việt

Sau 13 năm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp đăng bạ và nhiều quốc gia chấp nhận bảo hộ, cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), với logo 'Buon Ma Thuot coffee' đã góp phần nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Phát huy lợi thế vùng chuyên canh cà phê

Đắc Lắc được coi là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích hơn 200.000ha, sản lượng khoảng 450.000 tấn cà phê nhân, giá trị sản phẩm cà phê hằng năm chiếm 35% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, sản phẩm cà phê Đắc Lắc được xuất khẩu đến 65 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới và chiếm tới một nửa sản lượng cà phê Robusta toàn cầu.

Thời gian gần đây, cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng, tỉnh Đắc Lắc chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê. Đặc biệt, năm 2005, khi Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ và được nhiều quốc gia chấp nhận bảo hộ, sản phẩm cà phê Đắc Lắc đã củng cố được vị thế trên thị trường thế giới. Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hiện trên thế giới, diện tích cà phê có CDĐL không nhiều và hầu hết là sản phẩm cà phê Arabica, chỉ riêng Việt Nam là cà phê Robusta. Chính sự khác biệt này đã tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột.

Vườn cà phê được cấp Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV Cà phê 15.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy Triều, Thư ký Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Tính đến tháng 4-2018, trong vùng định danh cà phê Buôn Ma Thuột có 12 doanh nghiệp liên kết với 8.979 nông hộ sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân được cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột, với diện tích 13.599ha, sản lượng 44.605 tấn. Cùng với đó, tháng 9-2015, Chi hội Nhà rang xay cà phê Buôn Ma Thuột thành lập, đến nay có 15 dòng sản phẩm cà phê rang xay của 15 nhà rang xay trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đạt tiêu chuẩn chất lượng, được gắn logo “Buon Ma Thuot coffee” trên bao bì, với sản lượng đạt 100 tấn/năm. Tính đến tháng 4-2018, có 12 quốc gia trên thế giới đồng ý bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot coffee”, gồm: Bỉ, Hà Lan, Luxemboung, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Ý, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Canada và Nga. Và năm 2018 này, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực thì CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột tự động được công nhận và bảo hộ trên toàn lãnh thổ EU.

Hiệu quả kinh tế và quảng bá thương hiệu

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, thành công nhất của các doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh cà phê mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột là tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người trồng cà phê. Từ đó, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân mà còn truy nguyên được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Cụ thể, cà phê mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được sản xuất và chế biến theo quy trình hướng đến sản xuất cà phê bền vững, thực hành nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, nên tạo giá trị tăng thêm khoảng 2-3% so với cà phê sản xuất đại trà. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp rất tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh cà phê mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột. Điển hình như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắc Lắc, hiện liên kết với 988 nông hộ, sản xuất 2.484ha, sản lượng 7.979 tấn cà phê nhân xuất khẩu. Theo tính toán, sản phẩm cà phê nhân mang CDĐL Buôn Ma Thuột khi xuất khẩu có giá bán cao hơn 40-60 USD/tấn so với cà phê thường. Ngoài ra, hệ thống nhận diện cà phê mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được thể hiện trên hợp đồng mua bán và trên bao bì sản phẩm còn tạo giá trị gia tăng và nâng tầm thương hiệu cà phê Việt.

Thu hoạch cà phê đạt tỷ lệ quản chín hơn 95% tại Công ty Cà phê Thắng Lợi.

Tìm hiểu lợi ích từ việc sản xuất, kinh doanh cà phê mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Quân khu 5), Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc công ty khẳng định: "Hiệu quả lớn nhất là hướng sản xuất theo quy trình bền vững nên kéo dài chu kỳ kinh doanh, nâng cao năng suất vườn cây và chất lượng sản phẩm, từ đó cải thiện thu nhập cho người lao động. Hiện, 870/870ha cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 đều được cấp CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột, với sản lượng hằng năm hơn 2.000 tấn cà phê nhân. Ngoài ra, hằng năm Công ty TNHH MTV Cà phê 15 còn chế biến, cung cấp ra thị trường 50 tấn cà phê bột được gắn logo “Buon Ma Thuot coffee”.

HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Công Bằng Ea Tu là một trong những đơn vị đi tiên phong trong sản xuất cà phê mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột. Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết: “Hơn 90% trong tổng số 49 thành viên HTX là người đồng bào Ê Đê. Nên việc đăng ký sản xuất cà phê mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột thực sự là cuộc cách mạng về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất vườn cây theo hướng sản xuất bền vững".

Xây dựng hệ thống quản lý và phát triển CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột, do còn khá mới mẻ đối với tỉnh Đắc Lắc nên kết quả bước đầu đạt được chưa cao. Vì vậy, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tìm giải pháp bảo hộ CDĐL và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, với logo “Buon Ma Thuot coffee” trên thị trường thế giới, tỉnh Đắc Lắc cần mở rộng cấp quyền sử dụng CDĐL cho các tổ chức nông dân sản xuất cà phê trong vùng định danh. Đồng thời, ngành hàng cà phê Đắc Lắc cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp, được thiết lập thông qua hệ thống quản lý nội bộ, hợp đồng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, tập huấn và giám sát quy trình sản xuất, chứng nhận chất lượng và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động của Chi hội Nhà rang xay cà phê Buôn Ma Thuột theo hướng từng thành viên có hệ thống quản lý nội bộ chặt chẽ, đưa ra thị trường sản phẩm cà phê mang logo “Buon Ma Thuot coffee” có chất lượng cao, với hệ thống nhận dạng thống nhất, góp phần quảng bá, tiếp thị trên thị trường trong nước và các thị trường mới nổi.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-tam-thuong-hieu-viet-536640