Nâng tầm thương hiệu OCOP: Tăng cường ứng dụng KHCN

Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong chế biến, sản xuất các sản phẩm OCOP đang được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh do anh Nịnh Văn Trắng là doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản xuất, chế biến cây trà hoa vàng tại huyện Ba Chẽ. Những năm gần đây, việc đưa KHCN vào để nâng cao chất lượng sản phẩm được Công ty đặc biệt chú trọng. Để cây trồng phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế, Công ty đã đầu tư khu sản xuất giống trà hoa vàng với hệ thống giàn lưới che nắng, mưa và hệ thống tưới nước phun sương tự động, nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Trong khâu chế biến, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, công ty đầu tư mua 1 máy sấy thăng hoa, 2 máy sấy khô và 1 máy đóng gói trà túi lọc tự động.

Anh Trắng cho biết: “Từ khi ứng dụng những công nghệ mới này, tỷ lệ cây giống sống rất cao, việc chăm sóc cũng thuận tiện hơn. Đặc biệt, trong khâu chế biến, hình thức sản phẩm đẹp hơn, khả năng bảo quản lâu hơn, được người tiêu dùng đón nhận tốt hơn". Nhờ biết ứng dụng KHCN vào sản xuất, hàng năm Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 cây giống. Năm 2018, trừ chi phí, cơ sở sản xuất của anh thu doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.

Vận hành máy sấy tại cơ sở sản xuất trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng, huyện Ba Chẽ.

Vận hành máy sấy tại cơ sở sản xuất trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng, huyện Ba Chẽ.

Là một sản phẩm OCOP nổi tiếng của Vân Đồn, nước mắm Cái Rồng đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Mỗi năm Công ty CP Thủy sản Cái Rồng sản xuất hàng trăm nghìn lít nước mắm các loại. Từ cuối năm 2017, sau khi đưa hệ thống thiết bị cô đặc nước mắm bằng năng lượng mặt trời vào hoạt động, không những chất lượng sản phẩm OCOP nước mắm Cái Rồng được nâng lên, mà chất lượng VSATTP cũng được cải thiện, tạo niềm tin, sự ủng hộ ngày càng lớn của người tiêu dùng.

Nhờ ứng dụng KHCN, không chỉ chất lượng OCOP được đảm bảo mà nhiều sản phẩm đã được nâng hạng sao. Năm 2018, sản phẩm rượu ba kích tím của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Thức Hoài (Quảng Yên) đã được xếp hạng 3 sao. Theo anh Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty: Chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty đã mở rộng quy mô nhà xưởng, hiện đại hóa quy trình sản xuất rượu đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe về ATTP, đổi mới mẫu mã bao bì theo hướng bắt mắt hơn. Với những cải tiến đó, công ty sản phẩm rượu ba kích tím của Công ty đã được Hội đồng Cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP Quảng Yên nâng hạng 4 sao. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm của Công ty khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường.

Đóng chai nước mắm sá sùng tại Công ty CP Thủy sản Cái Rồng (Vân Đồn).

Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp, Sở KH&CN thường xuyên tham mưu với tỉnh thực hiện các nhiệm vụ KH&CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như dự án: “Nghiên cứu chuỗi giá trị dược liệu trong phát triển sản phẩm OCOP”; “Phục tráng giống lúa bao thai trên địa bàn các huyện Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống sá sùng tại Quảng Ninh”; “Bảo tồn nguồn gen ngán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”… Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch. Tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ KHCN để tư vấn, phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương như: Công nghệ sản xuất rượu khoai, công nghệ thái lát bán tự động trong sản xuất chanh đào mật ong (huyện Hải Hà); ứng dụng hệ thống máy móc tự động trong sản xuất giò chả (TP Móng Cái); công nghệ canh tác theo hướng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng na dai (TX Đông Triều)…

Có thể khẳng định, việc ứng dụng KHCN là một trong những yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP của Quảng Ninh ngày càng nâng cao về chất lượng và có thể cạnh tranh trên thị trường. Do đó, tỉnh cần tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đẩy nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất các sản phẩm nông, lâm, sản, nhất là những sản phẩm có thế mạnh.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201908/nang-tam-thuong-hieu-ocop-tang-cuong-ung-dung-khcn-2452075/