Nâng tầm thương hiệu dệt may Việt Nam (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tìm lợi thế từ sản phẩm chuyên biệt - Một trong những vấn đề cốt lõi khi phát triển thương hiệu ngành dệt may là phải có tiềm lực về tài chính để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao giá trị gia tăng và mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện có rất ít DN thực hiện được mục tiêu này, bởi phần lớn các DN của Việt Nam hiện nay đều thuộc loại vừa và nhỏ, hạn chế cả về quy mô lẫn tiềm lực tài chính,…

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po I (Bình Dương).

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po I (Bình Dương).

Tham gia vào khâu giản đơn, giá trị thấp

Trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam (DMVN) luôn duy trì mức tăng trưởng hai con số, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 31 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị gia tăng mang lại rất thấp, chỉ chiếm từ 5 đến 10% giá trị sản phẩm. Do đó, không còn con đường nào khác ngoài việc DN phải xây dựng được thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chuyên biệt mang lại giá trị cao.

Ðề cập vấn đề này, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 (đơn vị quản lý Xí nghiệp Veston Hải Phòng) Vũ Quyết Chiến cho biết, nhờ củng cố lại công tác quản trị, nâng cao về nhận thức, trong đó có các hội thảo để người lao động công ty và cán bộ quản lý rút ngắn khoảng cách, đưa ra các ý kiến phản biện, giải pháp tối ưu trong vận hành sản xuất, đã giúp xí nghiệp phát triển, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, người lao động sẽ tự quảng bá và đưa thương hiệu của công ty tới khách hàng. Trong năm 2017, xí nghiệp đã nghiên cứu, đầu tư, áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư các loại máy móc như máy vắt sổ, máy trải, máy cắt tự động,… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo ông Vũ Quyết Chiến, nhờ việc đầu tư các trang thiết bị, xây dựng chiến lược phát triển bài bản đã giúp thương hiệu của công ty ngày càng vươn xa. Ðến nay, khách hàng nước ngoài tự tìm đến đặt hàng thay vì công ty phải đi tìm kiếm khách hàng như trước.

Tại Tổng công ty Ðức Giang thời gian qua cũng đã triển khai nhiều giải pháp như đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, vận hành sản xuất. Công ty đã nghiên cứu và cho ra đời hàng loạt nhãn hiệu may mặc mới, với các thiết kế đặc trưng như S.Pearl, HeraDG, VNU,... không chỉ góp phần tăng doanh thu mà còn đưa thương hiệu may Ðức Giang đến với đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty may Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương lại dẫn dắt Hugaco theo hướng đi khác. Theo đó, Hugaco xác định trong chuỗi, khâu nào cạnh tranh tốt nhất thì làm. Hiện tại đơn vị đang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu trực tiếp) với chất lượng tốt, thời gian bảo đảm. Mỗi năm, Hugaco đầu tư hơn 100 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị để sản xuất những mặt hàng có lợi thế chuyên biệt mà các DN khác không làm được. Ðây là cách xây dựng thương hiệu riêng của Hugaco.

Tuy nhiên, dù được coi là một trong những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới (chiếm khoảng 13,6% doanh thu xuất khẩu toàn cầu) nhưng sản xuất hàng DMVN còn bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài khi có tới 80% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu. Trong năm 2015, "miếng bánh" giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 27,7 tỷ USD nhưng riêng nguyên liệu và các yếu tố đầu vào đã "ngoạm" tới hơn 24 tỷ USD. Như vậy, gần 7.000 DN với 4,5 triệu lao động chỉ trông ngóng vào "mẩu" giá trị 3,7 tỷ USD.

Nhìn vào cơ cấu sản xuất và toàn bộ chuỗi giá trị của Việt Nam, chỉ thấy mạnh ở khâu may, còn các khâu sợi, dệt, nhuộm đều yếu. Cụ thể hơn, trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, Việt Nam chỉ tham gia nhiều vào khâu gia công - khâu có giá trị tăng thấp nhất trong toàn bộ chuỗi, cho thấy sự phát triển của ngành chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh là điều rất quan trọng của ngành DMVN trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Do khó khăn về tài chính, hầu hết các DN dệt may hiện nay vẫn sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, thiếu được đầu tư hiện đại. Năng suất lao động vì vậy còn chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế cũng góp phần làm giảm sức cạnh tranh, chưa tạo ra giá trị như mong muốn. Liên quan việc nâng cao giá trị sản phẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm khẳng định, giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may xuất khẩu hiện đạt hơn 51%, nếu so với các ngành khác, đây là tỷ lệ khá cao. Song so với các quốc gia đi trước, DN của họ có vốn lớn, công nghệ kỹ thuật hiện đại, trình độ quản lý cao, đầu tư vào những khâu thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may như sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm sẽ thu được giá trị gia tăng cao và lợi nhuận cũng sẽ lớn hơn. Trong khi đó, các DN dệt may trong nước còn yếu về tài chính, nếu đầu tư mạnh khâu sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, sẽ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Thực tế đã có những dự án đầu tư sản xuất xơ sợi được triển khai trong thời gian qua như Ðình Vũ nhưng không thành công. Các DN dệt may trong nước cũng phải lượng sức mình, để từng bước cải thiện giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng dệt may.

Trong bối cảnh hội nhập, các DN dệt may có nhiều cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, bên cạnh việc áp dụng khoa học - công nghệ, các DN cần phải triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may thì nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, giúp DN khai thác được các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may như thiết kế thời trang, cung ứng nguyên phụ liệu, xuất khẩu và ma-két-tinh. Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao còn giúp các DN có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất nhằm tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất của ngành dệt may. Ðồng thời, giúp DN có thể ứng dụng nhanh chóng các mô hình quản trị hiện đại như mô hình sản xuất tinh gọn (LEAN), quản trị đúng lúc (Just In Time) vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của toàn bộ quá trình sản xuất. Hiện nay, lượng lao động đã qua đào tạo trong các DN dệt may Việt Nam chiếm khoảng 25%. Như vậy vẫn còn khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới ba tháng. Ðây là thách thức rất lớn khi ngành dệt may đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, thời trang hóa ngành dệt may, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tiếp cận với công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương kiêm Giám đốc Công ty may Quốc tế Phan Lê Diễm Trang, DMVN không chỉ yếu nhân lực, quy mô, tài chính, trình độ quản trị so với các DN nước ngoài mà còn đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ các nước xuất khẩu trên thế giới như Cam-pu-chia, Băng-la-đét, Ấn Ðộ, Trung Quốc… Việt Nam cũng đang mất dần lợi thế về chi phí nhân công giá rẻ. Chỉ tính từ giai đoạn 2008 - 2016, mức lương tối thiểu vùng đối với DN trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các DN FDI tăng 18,1%/năm. Ðiều này sẽ khiến ngành dệt may phải chịu nhiều áp lực vì chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng cao,… làm cho giá thành cao hơn các đối thủ cạnh tranh.

Theo nhận định của Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội DMVN (Vitas) Lê Tiến Trường, thương hiệu DMVN đã dần khẳng định vị thế của sản phẩm may mặc Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ðạt được thành công này do các DN ngày càng nhận thức tầm quan trọng của thương hiệu cho nên đã tập trung đầu tư cả về tài chính và con người. Tuy nhiên, thương hiệu DMVN vẫn quá lu mờ trên thị trường thế giới do các DN bị hạn chế về vốn, nguồn nhân lực; về cơ chế chính sách, ưu đãi vốn vay, giới hạn về trần quảng cáo, truyền thông, tiếp thị và duy trì thương hiệu,… Trở ngại lớn nhất hiện nay của DN là chưa xây dựng được chiến lược thương hiệu bài bản, trong đó cấu trúc thương hiệu là cốt lõi cơ bản. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của các DN trong đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực, trình độ quản trị,... rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có các chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai, xúc tiến thương mại,... nhằm tạo điều kiện để các DN phát triển thương hiệu.

-----------------------------

* Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 1-3-2018.

Bài và ảnh: ANH BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/35677402-nang-tam-thuong-hieu-det-may-viet-nam-tiep-theo-va-het.html