Nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong

Đến Cao Phong dịp này, du khách thập phương sẽ bắt gặp những vườn cam xanh ngút ngàn trải dài đang chờ thu hoạch. Nhiều năm qua, loại trái ngọt này là nguồn sinh kế quan trọng, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng ngàn nông hộ thuộc huyện miền núi Cao Phong (tỉnh Hòa Bình).

Chất lượng được khẳng địnhNhắc đến huyện Cao Phong là nhắc đến một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc. Nếu như năm 2014, diện tích trồng cây có múi tại huyện mới dừng ở 1.200ha, sản lượng 16.500 tấn, thì đến vụ cam 2019 - 2020, huyện có gần 3.016ha cây ăn quả có múi, sản lượng trên 40.000 tấn. Trong đó, có hơn 1.018ha trồng cam được cấp chứng nhận VietGAP với sự tham gia của 759 hộ. Từ nhiều năm nay, cam Cao Phong đã trở thành một thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Tại Cao Phong hiện nay đang phát triển bốn giống cam chính là cam lòng vàng, cam Xã Đoài, cam canh và cam V2. Bốn giống cam này lần lượt ra trái từ tháng 9 đến khoảng tháng 2 - 3 năm kế tiếp. Mùa chín rộ là vào dịp Tết Nguyên đán.

 Cam Cao Phong có màu rám nắng, khi bổ ra có mùi thơm, màu vàng đậm, vị ngọt thanh

Cam Cao Phong có màu rám nắng, khi bổ ra có mùi thơm, màu vàng đậm, vị ngọt thanh

Tháng 11/2014, cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và trở thành một trong 39 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại Liên minh châu Âu. Với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến là một loại đặc sản của tỉnh Hòa Bình với chất lượng thơm ngon và an toàn.Ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, cho biết năm 2019, huyện có 5 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đáng chú ý khi tất cả 5 sản phẩm đều liên quan đến cam. Cụ thể, 2 sản phẩm 4 sao là: Nước cam tươi lên men và cam quà tặng cao cấp của Hợp tác xã Hà Phong; 3 sản phẩm 3 sao gồm: Cam quà tặng cao cấp của Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong, nước cốt cam và mứt ruột cam của Hợp tác xã Hà Phong. Theo đánh giá, sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ trái cam của huyện Cao Phong chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao. “Với mục tiêu nâng cao giá trị cho cam Cao Phong, huyện đang quyết tâm nâng hạng tiêu chuẩn, phấn đấu có 2 sản phẩm tiềm năng đề nghị Trung ương xếp hạng 5 sao; các sản phẩm được công nhận 3 sao nâng lên 4 sao” – ông Quách Văn Ngoan cho biết.

Chuyên gia Viện Rau Củ Quả - Bộ NN&PTNT hướng dẫn bà con trồng cam an toàn

Bảo vệ thương hiệu Cam Cao PhongCó được thương hiệu đã khó, việc bảo vệ và phát triển được “tên tuổi” cho “Cam Cao Phong” còn là bài toán nan giải hơn. Rất nhiều giải pháp cụ thể đã được các cấp, ban ngành và người dân huyện Cao Phong thực hiện suốt những năm qua, nhằm nâng cao giá trị cho loại cây có múi đặc sản này. Ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, cho biết những năm gần đây, diện tích cam tăng lên nhanh chóng vì người dân thấy hiệu quả nên đã rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, huyện đã quy hoạch cụ thể về diện tích trồng cam và kiểm soát chất lượng để giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong. Để giữ thương hiệu, huyện Cao Phong đã thành lập ban kiểm soát chỉ dẫn địa lý nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát, tránh việc trà trộn cam các nơi khác mạo danh cam Cao Phong. “Năm 2018, huyện đã thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc có bao bì, và logo riêng để người tiêu dùng dễ nhận biết. Ngoài ra, việc mở rộng xuất khẩu cam Cao Phong cũng đã được tính đến để tạo thêm kênh tiêu thụ cho nông dân” – ông Quách Văn Ngoan nói. Đại diện lãnhđạo UBND huyện Cao Phong thông tin thêm, sau khi phát triển ổn định thị trường tiêu thụ cam Cao Phong trong nước, huyện sẽ thúc đẩy xuất khẩu. Hiện, một số dự án nhà máy sơ chế ban đầu đã manh nha. Có thương hiệu, được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nên cam Cao Phong hiện cũng đang đứng trước nỗi lo bị lai tạp, giả mạo, nhất là sản phẩm cam của Trung Quốc. Để nhận biết được cam Cao Phong chuẩn và cam Trung Quốc trá hình, chị Bùi Thị Duyên, một người trồng cam tại xã Hợp Phong (huyện Cao Phong), cho biết một số dấu hiệu nhận biết. Theo đó, vỏ cam Cao Phong lúc già mỏng và bóng hơn các giống cam khác. “Cam khi chín có màu vàng nhạt, nếu thấy cam có màu vàng tươi, sậm, óng ả thì không nên mua vì rất có thể đó là cam Trung Quốc hoặc cũng có thể là một loại cam khác. Đặc biệt, cam Cao Phong khi cắt có lá kèm theo thường bị héo sau vài tiếng do không có chất bảo quản” – chị Duyên nói.

Gắn với việc phát triển du lịch đang là hướng phát triển tăng giá trị cho Cam Cao Phong

Việc thương hiệu cam Cao Phong bị đem đi gắn mác cho những loại cam lai tạp, giả mạo sẽ làm tổn thất lớn về thương hiệu cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Chính bởi vậy, việc có thể bảo vệ và phát triển được giống cao quý, có chất lượng này hay không phụ thuộc lớn vào sự thông thái của người tiêu dùng. Đây cũng là hành động thiết thực ủng hộ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời chung tay bảo vệ nông sản Việt trên thị trường cạnh tranh.

Thu Nhung

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nang-tam-thuong-hieu-cam-cao-phong-396875.html