Nâng tầm miền di sản Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học luôn được Vườn Quốc gia Phong Nha–Kẻ Bàng xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu…

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nhìn nhận: “Cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch, công tác bảo tồn đa dạng sinh học luôn được chúng tôi xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bởi vậy, chúng tôi luôn chú trọng triển khai các chương trình bảo tồn giá trị di sản, đa dạng sinh học trên tất cả các mặt và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận…”.

Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị đa dạng sinh học

Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong khuôn khổ tôn trọng các giá trị nổi bật toàn cầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực lên tài nguyên, BQL đã xây dựng và luôn thực hiện theo đúng các quy hoạch, kế hoạch đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.

 VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đẩy mạnh truyền thông giáo dục bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường cho người dân vùng đệm. Ảnh: PN-KN

VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đẩy mạnh truyền thông giáo dục bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường cho người dân vùng đệm. Ảnh: PN-KN

Thời gian qua, Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã xây dựng các chương trình hành động về bảo vệ, bảo tồn động thực vật hoang dã; động thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; phương án bảo vệ rừng; phương án bảo tồn đa dạng sinh học…để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo tồn di sản theo tình hình thực tế. Cùng với đó, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật luôn được xác định là một trong những biện pháp quan trọng và mang tính bền vững trong hệ thống các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

Vì vậy, VQG PN-KB đã xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng cần tuyên truyền. Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã tổ chức 736 đợt tuyên truyền tới các thôn/bản với hàng nghìn lượt người tham gia. Tổ chức 25 đợt diễn giải môi trường cho gần 700 học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên các xã vùng đệm...

Nhờ đó, nhận thức về bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của người dân vùng đệm được nâng cao. Một số người dân địa phương đã có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc giao nộp các cá thể động vật hoang dã. Nhiều loài động vật quý hiếm như khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, khỉ cộc, cu li nhỏ, rùa núi viền, voọc Hà Tĩnh…đã được người dân tự giác giao cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (thuộc VQG PN-KB) để cứu hộ, góp phần bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Nhằm góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn cũng đã ký kết quy chế phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, kiểm lâm, 2 Công ty lâm nghiệp có lâm phần tiếp giáp, 7 xã vùng đệm. Trong đó nội dung phối hợp rất cụ thể về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, ngăn chặn vận chuyển lâm sản trái phép và đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới khu vực. Ngoài ra, Vườn cũng ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, không kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ động vật rừng đối với các hộ dân, nhà hàng trên địa bàn các xã vùng đệm và các đơn vị khai thác, kinh doanh du lịch...

Cây Bách xanh đá là loài được Sách đỏ IUCN xếp tình trạng bảo tồn nguy cấp. Ảnh: PN-KB

Tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án, Vườn đã huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học gồm 400 cộng tác viên thuộc 28 tổ bảo vệ rừng và 21 nhóm bảo tồn thôn bản thuộc 9 xã vùng đệm. Cùng với đó, Vườn đã duy trì mối quan hệ hợp tác với VQG Hin Nậm Nô (Lào); UNESCO và các tổ chức bảo tồn, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Phối hợp với các tổ chức Vườn thú Cologne, Hội động vật Frankfurt… để thực hiện các chương trình liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng vùng đệm.

Với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bảo tồn..., lãnh đạo Vườn đã chỉ đạo Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thực hiện có hiệu quả các chương trình nhân giống các loài cây bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao. Nhiều loài phong lan, chè dây, huê, dổi, sa nhân tím, ba kích tím, nấm linh chi..., phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học và chuyển giao mô hình cho cộng đồng dân cư các xã vùng đệm. Qua đó, tạo công ăn việc làm, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên di sản.

Vừa nghiên cứu khoa học vừa giữ gìn di sản…

Theo ông Phạm Hồng Thái, để công tác bảo tồn đa dạng sinh học, chăm sóc, cứu hộ động thực vật hoang dã bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tại. Hiện VQG PN-KB đã và đang xây dựng, đưa vào hoạt động 5 cơ sở phục vụ mục đích bảo tồn, cứu hộ động thực vật. Nhiều công trình nghiên cứu về đa dạng sinh học được triển khai, thực hiện, là tiền đề để đưa ra các giải pháp phục vụ công tác bảo tồn, phát triển hệ sinh thái. Vườn đã chủ trì và thực hiện 4 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, thực hiện 2 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, 2 chương trình nghiên cứu cấp tỉnh...

Vườn ươm cây giống bản địa tại VQG PN-KB. Ảnh: PN-KB

Việc phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại đến đa dạng sinh học đã được thực hiện quyết liệt, góp phần ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tối đa các mối đe dọa khác đến đa dạng sinh học. Số lượng các vụ vi phạm về khai thác gỗ, săn bắt các loài động vật hoang dã giảm đáng kể qua các năm. Các giá trị đa dạng sinh học được giữ vững và ít có các tác động đến môi trường sống của các loài sinh vật.

Hiện tại, VQG PN-KB ghi nhận sự có mặt của 1.395 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành và 2.952 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành. Đến nay, 42 loài mới qua nghiên cứu khoa học đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, trong đó có 38 loài động và 4 loài thực vật.

Tâm Nguyễn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nang-tam-mien-di-san-vuon-quoc-gia-phong-nha-ke-bang-d272382.html