Nâng tầm kỹ năng lao động tránh lãng phí nguồn lực xã hội

Hiện 18% lực lượng lao động của Việt Nam chưa có đủ các kỹ năng cần thiết cho sự đổi mới, lao động giá rẻ không còn là lợi thế sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển.

Đó là báo cáo của Trung tâm Thị trường mới nổi của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam.

Theo PwC, 18% lực lượng lao động của Việt Nam chưa có đủ các kỹ năng cần thiết cho sự đổi mới. (Đào tạo nhân lực tại khoa Điện- Điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Long)

Theo PwC, 18% lực lượng lao động của Việt Nam chưa có đủ các kỹ năng cần thiết cho sự đổi mới. (Đào tạo nhân lực tại khoa Điện- Điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Long)

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) nhấn mạnh điểm yếu của lao động Việt Nam chính là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ và thứ hai là kỹ năng nghề nói chung còn thấp. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, lao động trẻ phải có ý thức trong việc nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa.

Bên cạnh đó, ứng viên có ngoại ngữ tốt sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn và lĩnh vực giáo dục đào tạo như dạy ngoại ngữ, nhất là Tiếng Anh cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.

Trong một hội thảo được tổ chức gần đây với chủ đề giáo dục nghề nghiệp, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH nhấn mạnh, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại Việt Nam sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. Do đó, công việc của chúng ta phải thay đổi, nhất là ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử…

Học viên trường nghề có thể tiếp cận công nghệ tự động ngay tại trường học. Học viên trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội trong tiết thực hành tại phòng Công nghệ 4.0. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Trong bối cảnh ấy, giáo dục nghề nghiệp là con đường gia nhập thị trường lao động nhanh nhất, có việc làm tốt và thu nhập ổn định.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định: Để duy trì đà tăng trưởng và cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực dựa trên ba yếu tố: con người, công nghệ và quản trị.

“Mấu chốt để giải quyết những hạn chế này là gia tăng đầu tư, đặc biệt vào công nghệ và đào tạo để cải thiện trình độ của người lao động, giúp họ có các kỹ năng mới để có thể nắm bắt những tiến bộ công nghệ. Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty cân nhắc chuyển đổi hoạt động kinh doanh trở nên thông minh, hiệu quả và minh bạch hơn để có sức đề kháng với rủi ro”, bà Vân nói.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cũng chia sẻ, sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng lao động, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam là thực sự cần thiết để tránh lãng phí các nguồn lực trong xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo.

Theo DDDN

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nang-tam-ky-nang-lao-dong-tranh-lang-phi-nguon-luc-xa-hoi-583010.html