Nâng tầm hạt sen Nhơn Trạch

Nhờ thế mạnh đa dạng các sản phẩm chế biến thủ công, Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát tại xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Để sản phẩm đạt chất lượng, bà Nguyễn Thị Bích Lệ luôn kỹ lưỡng trong khâu tuyển chọn, kiểm tra nguyên liệu hạt sen.

Sản phẩm của cơ sở cũng tạo được sự quan tâm của người tiêu dùng khi tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 tại Đồng Nai.

* Làm đặc sản quê

“Cái khó ló cái khôn” là câu chuyện về ý tưởng đầu tư chế biến sản phẩm hạt sen của bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát. Bà Lệ kể: “20 tuổi, tôi lập gia đình và sinh sống dựa vào thu nhập từ ruộng sen. Long Tân là vùng nổi tiếng của huyện Nhơn Trạch về nghề trồng sen, có thời điểm phát triển được hàng trăm hécta”.

Hạt sen thu hoạch của cả vùng hoàn toàn phụ thuộc vào một doanh nghiệp Đài Loan chuyên làm sen tươi xuất khẩu. Theo bà Lệ, vì doanh nghiệp chỉ có 1 điểm thu mua trong khi nông dân bán sen quá nhiều nên gương sen thu hoạch trong ngày phải tranh thủ chở đi từ nửa đêm, xếp hàng chực chờ doanh nghiệp thu hàng. Doanh nghiệp chỉ mua những gương sen đều hạt, đúng độ non nên tỷ lệ hàng dạt nông dân phải đổ bỏ khá lớn. Có những vụ, nông dân bỏ mặc sen khô ngoài đồng vì giá bán quá rẻ.

“Sen trồng mất bao công chăm sóc mà phải bỏ quá lãng phí, tôi nghĩ đến việc tự bóc hạt sen tươi đem bán. Những ngày đầu, người trong nhà tự bỏ công bóc được vài ký sen tươi/ngày đem bán tại chợ địa phương. Bạn hàng nhiều lên, tôi thuê thêm công lao động làm sen, nhưng ngày nào chợ ế là lỗ vốn nên tôi mới nghĩ đến việc làm thêm các sản phẩm chế biến” - bà Lệ nhớ lại.

Mọi bộ phận của cây sen đều có thể đưa vào chế biến, từ trà lá sen đến trà củ sen. Chỉ riêng hạt sen, cơ sở đã có cả chục sản phẩm, từ hạt sen khô, hạt sen sấy đến bột sen nguyên chất, bột ngũ cốc hạt sen... Cơ sở chỉ mua hạt sen của huyện Nhơn Trạch và những vùng sen của Đồng Nai ở xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu), Phương Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú)...

* Xây dựng thương hiệu truyền thống

Theo bà Lệ, cơ sở đầu tư tiền tỷ làm khu xưởng sản xuất với đầy đủ máy móc từ máy bóc vỏ hạt sen, máy sấy, máy xay bột... giúp tăng công suất chế biến, giảm chi phí nhân công. Nhưng nghề làm sen vẫn lắm công phu, vẫn đậm chất thủ công, tỉ mỉ. Chỉ riêng khâu đầu vào là lựa hạt sen đã phải phân 5-7 loại từ sen non đến sen vừa, sen già, hạt khô...

Hơn 10 năm đầu tư vào ngành chế biến sản phẩm truyền thống từ hạt sen, chính sự chăm chút, tỉ mỉ từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đầu vào đến các khâu chế biến đã làm nên tiếng thơm cho hạt sen Nhơn Trạch. Bà Lệ dẫn chứng: “Tôi có nhiều bạn hàng gắn bó từ những ngày đầu đến nay. Với dòng sản phẩm còn khá mới trên thị trường là sen chế biến, đa số khách hàng sử dụng thử, thấy chất lượng tốt mới đặt mua lâu dài, giới thiệu thêm cho nhiều người biết đến. Tôi đang đăng ký nhãn hiệu độc quyền, phát triển hệ thống đại lý để tiếng thơm sen Nhơn Trạch ngày càng lan xa”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201811/nang-tam-hat-sen-nhon-trach-2919389/