Nâng tầm giá trị nông sản Việt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.

Nhiều mặt hàng nông sản của Đồng Tháp bày bán tại siêu thị Big C. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nhiều mặt hàng nông sản của Đồng Tháp bày bán tại siêu thị Big C. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, càng đòi hỏi các ngành hàng, lĩnh vực phải thích ứng nhanh, tận dụng tốt lợi thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất.

Những nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là giải pháp quan trọng để nông sản Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp, sẽ giúp thay đổi phương thức sản xuất, rút ngắn thời gian và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giải quyết nhiều thách thức đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn lực như đất đai, lao động, năng lượng tự nhiên…. Công nghệ 4.0 dự báo sẽ tác động tới tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của các mặt hàng nông sản từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu dùng.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn 2016-2020, Bộ đã công nhận 210 giống cây trồng, vật nuôi mới, 169 tiến bộ kỹ thuật.

Các giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học, quy trình công nghệ mới... đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế.
Điển hình như lúa, các giống lúa do Việt Nam chọn tạo đã được đưa vào sản xuất với gần 5 triệu ha, chiếm 65% diện tích gieo trồng lúa cả nước. Các giống cà phê đột phá về năng suất, đạt từ 2,5 - 3 tấn nhân/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê thế giới. Hay giá trị gia tăng do khoa học công nghệ đóng góp cho ngành thủy sản rất nổi bật, điển hình là công nghệ chọn tạo và sản xuất cá tra, đưa sản lượng cá tra đạt trên 1 triệu tấn/năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%; góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Ở nhóm sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sự đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc.
Xu hướng ứng dụng và đổi mới công nghệ trong tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đang ngày càng định hình và phát triển. Tại nhiều địa phương, công nghệ đã được áp dụng đồng bộ tại các doanh nghiệp, trang trại sản xuất tập trung với quy mô hàng chục ngàn ha. Công nghệ thông tin cũng được nhiều doanh nghiệp và người dân ứng dụng trong quản lý truy suất nguồn gốc, giám sát quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.
Sản xuất nông nghiệp hiện đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng các công nghệ hiện đại như: công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt... Việc ứng dụng công nghệ đang mở rộng áp dụng ở nhiều nơi trên cả nước, mang lại hiệu quả và giá trị gia tăng cao.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản, chăn nuôi... đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, mặc dù chưa có một mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0 nhưng đã có ngày càng nhiều công nghệ 4.0 được đưa vào thử nghiệm và áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp và người dân đã quan tâm và cân nhắc lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp để ứng dụng vào sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững với môi trường.
Đến nay, cả nước có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại các tỉnh Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu; 8 khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án.

Cấp địa phương, có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 124 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư được UBND cấp tỉnh thành lập và 45 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 1.500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để sản xuất kinh doanh có hiệu quả và bền vững, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt, tỉnh Hải Dương cho biết, hợp tác xã xác định phải tập trung vào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới gắn với sản xuất thủy sản an toàn.

Vì vậy, hợp tác xã thường xuyên tìm tòi, thử nghiệm và áp dụng những công nghệ mới như: “ao nổi”, “sông trong ao”, biofloc. Cùng với đó, hợp tác xã kiểm soát quá trình sản xuất dựa trên tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm đạt an toàn. Đến nay, hợp tác xã đã có khoảng 120 ha nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ trên.
Còn ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi cho rằng, khoa học công nghệ không thiếu nhưng việc ứng dụng các công nghệ hiện đại không đơn giản, nhất là với nông dân dám khởi nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ là vấn đề lớn và rất quan trọng. Trong thế giới phẳng tràn ngập thông tin về các công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Doanh nghiệp Bến Tre liên kết chuỗi trong tiêu thụ nông sản. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Thông tin nhiều nhưng nông dân lại thiếu định hướng về khoa học mới. Chính bởi thế nên nông dân rất cần được hỗ trợ, định hướng về công nghệ, đặc biệt là khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Việc định hướng làm sao để phù hợp với trình độ chuyên môn và phù hợp với nhận thức, điều kiện sản xuất thực tế.
Tuy đã có nhiều giống mới được đưa vào sản xuất, chất lượng con giống để sản xuất thương phẩm đang tăng lên nhưng ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chăn nuôi vẫn phải nâng cao chất lượng con giống, đảm bảo việc đưa con giống vào sản xuất là giống đã chọn lọc. Do đó, chăn nuôi cần thay đổi cách tiếp cận khoa học công nghệ để áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào trong các khâu của chăn nuôi.
Chính sách cần tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đều có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi về khoa học công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp được hưởng thụ một phần kinh phí nhà nước hỗ trợ để tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Với hội nhập, Việt Nam cần tăng cường trao đổi nguồn gen, giống, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến ở các nước phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, để phát triển khoa học công nghệ cần đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận nguồn lực.

Các cơ quan chức năng cần sớm xác lập quyền tài sản như: nhà lưới, nhà màng, nhà kính… trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn; mở rộng các tiêu chuẩn để có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp vào sản xuất; xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, khuyến khích hình thành các cơ sở nghiên cứu, các viện gắn với doanh nghiệp. Cùng với đó là xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến hay cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nang-tam-gia-tri-nong-san-viet/176466.html