Nâng tầm di sản làng nghề

Kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, hội nhập quốc tế là những biện pháp quyết định trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa làng nghề, đưa làng nghề truyền thống tiến tới hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đó vẫn là một cuộc hành trình dài đầy thử thách.

Việt Nam được mệnh danh là đất nước của làng nghề, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân gian được bồi đắp qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam. Với trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân Việt Nam đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những làng nghề truyền thống, di sản văn hóa Việt Nam đồng hành cùng lịch sử dân tộc.

Mặc dù vậy, các làng nghề vẫn đang đối mặt với những khó khăn lớn trong bối cảnh mới hiện nay. Các sản phẩm làng nghề hiện nay vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ cũng như chưa có một cơ quan tổ chức nào chịu trách nhiệm bao tiêu các sản phẩm truyền thống làng nghề. Song song với đó là bài toán về ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn chưa có phương hướng giải quyết.

Sở dĩ những sản phẩm của làng nghề truyền thống chưa tìm được đầu ra một phần là do có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến cho hàng Việt Nam truyền thống chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức.

Mặt khác, hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Vấn đề đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng tầm.

Mây tre đan Phú Vinh hiện nay đã đảm bảo thu nhập cho số lượng lớn người lao động nhờ xuất khẩu. Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Mây tre đan Phú Vinh hiện nay đã đảm bảo thu nhập cho số lượng lớn người lao động nhờ xuất khẩu. Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Tại Tọa đàm “Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế”, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, đời sống của người dân ở nơi có làng nghề thường cao hơn so với làng thuần nông. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, làng nghề Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, thiếu vốn. Đầu ra cho sản phẩm không ổn định, mặt bằng sản xuất chưa được mở rộng, vấn đề về môi trường… Thực trạng đó đòi hỏi những biện pháp "giải cứu" cho làng nghề.

Là một trong số ít làng nghề “hội nhập” nhanh chóng và phát triển hơn so với các làng nghề khác, Làng nghề Gốm Bát Tràng (Gia Lâm) những năm gần đây đã hút du khách khắp nơi đổ về Không chỉ sống được bằng nghề, Bát Tràng còn làm giàu từ nghề truyền thống, hơn thế, giờ đây trở thành điểm du lịch tiêu biểu. Và tất cả đó không phải là ngẫu nhiên, may mắn.

Bên cạnh việc áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh theo đúng xu hướng của du lịch hiện đại, Bát Tràng còn thực hiện chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách; tạo những không gian đậm chất văn hóa để làm nơi “check in” thu hút giới trẻ...

Tại Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng, ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện nhân dân làng Bát Tràng cho biết, trong nhiều năm, trước những khó khăn về xuất khẩu sản phẩm sang Đông Âu, người dân và đặc biệt các nghệ nhân Bát Tràng đã nhanh chóng vào cuộc, thay đổi toàn bộ mẫu mã và cách làm, cơ cấu sản phẩm hàng hóa của các gia đình. Nhờ vậy, không có nhà nào phải đóng cửa lò, kinh doanh năm sau cao hơn năm trước.

Hay một làng nghề khác là Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), đây là làng nghề lâu đời nhất trong số các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Trải qua hàng trăm năm phát triển, làng nghề luôn giữ được những giá trị truyền thống mà ông cha để lại, đồng thời phát huy sáng tạo đưa sản phẩm làng nghề dần đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đan mây, tre Việt Nam. Hàng chục năm qua, lực lượng lao động ở Phú Vinh quanh năm dành hết thời gian sản xuất gần 1000 mẫu hàng bán sang thị trường các nước trên thế giới. Để phù hợp với thị hiếu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất trong thôn đã chủ động thay đổi hướng sản xuất.

Nhiều làng nghề gặp khó khăn trong quá trình hội nhập.

Từ các sản phẩm đồ gia dụng chuyển sang sản xuất các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, đồ trang trí, trang sức và các sản phẩm phục vụ du lịch vừa giữ được nghề lại tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Bên cạnh đó người dân làng nghề biết kết hợp kỹ thuật truyền thống với kiến thức khoa học hiện đại như thiết kế, phối màu mang lại những nét rất riêng cho dòng sản phẩm, hướng tới khách du lịch và thị trường xuất khẩu. Cho đến nay Mây tren đan Phú Vinh đã trở thành nghề truyền thống, đảm bảo giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một lượng lớn người lao động, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc, cốt cách làng nghề mà cha ông để lại.

Nhưng không phải làng nghề nào cũng có những hướng đi quyết định và gặp thuận lợi như Bát Tràng, Phú Vinh. Ngay như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), một thương hiệu lụa không chỉ nổi tiếng ở Hà Nội mà còn ở Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn trong việc hội nhập.

Trao đổi với Lao động Thủ đô, đại diện Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho biết, rất muốn tiến tới thị trường nước ngoài, đưa sản phẩm ra thế giới như Gốm Bát Tràng hay mây tre đan Phú Vinh, nhưng sản phẩm lụa hiện nay của Vạn Phúc rất đặc thù. Chất lụa được làm thủ công, khó bảo quản, khi mang ra nước ngoài ở những nhiệt độ khác nhau thì bị biến hình đổi dạng, không còn mang đúng chất lụa khi được khách hàng mua tại địa phương. Chính vì vậy, nhiều năm qua Hiệp hội cũng đã nghiên cứu nhiều phương án để xuất khẩu lụa hoặc mở các chi nhánh tại nước ngoài nhưng chưa khả thi.

Nhận thấy những khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề, ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, Hiệp hội làng nghề cần đi sâu hơn vào công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các nghệ nhân và sản phẩm tinh hoa làng nghề để những giá trị làng nghề được mọi người biết đến ngày càng sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, những hội chợ, triển lãm uy tín tập trung vào từng ngành nghề để có thể phân loại nhu cầu khách hàng và đưa ra hướng phát triển cụ thể cho từng sản phẩm. Đồng thời, củng cố và phát triển sản xuất ngành hàng thủ công mỹ nghệ theo hướng hiện đại hóa công nghệ trong các làng nghề sao cho vừa bảo đảm tính truyền thống, vừa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, làng nghề truyền thống ở các vùng miền, địa phương, phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-tam-di-san-lang-nghe-101187.html