Nâng tầm cường quốc văn hóa

Sự nổi lên nhanh chóng của Hàn Quốc với vị thế 'cường quốc văn hóa' cho phép sự khác biệt của thương hiệu 'K' lan tỏa toàn cầu, chẳng hạn K-pop hay K-drama.

Các nhà phân tích toàn cầu bị thu hút bởi phạm vi và cách thức mà nhiều sản phẩm của văn hóa hiện đại của Hàn Quốc - âm nhạc, kịch, điện ảnh, chương trình tạp kỹ, nghệ thuật, văn học và ẩm thực - thâm nhập vào các khu vực đa dạng về văn hóa như Đông Nam Á, Nam Mỹ, Trung Đông và Bắc Mỹ trong một thời gian ngắn ấn tượng.

Làn sóng Hallyu gây cơn sốt Hàn Quốc trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: Elite Asia.

Hiện tượng toàn cầu về thành công thương mại và phổ biến văn hóa này mô tả một quá trình được gọi là Hallyu, hay “Làn sóng Hàn Quốc”.

Hàn Quốc có lẽ là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới có Bộ Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Phòng Công nghiệp Văn hóa Phổ biến của Bộ này tập trung vào nhạc pop, thời trang, giải trí đại chúng, truyện tranh, phim hoạt hình và các sản phẩm quan trọng khác.

Phòng này kết hợp với ba bộ phận khác tạo nên Văn phòng nội dung văn hóa. Ngân sách hoạt động của nó thật đáng kinh ngạc, tới 500 triệu USD/năm, với mục tiêu xây dựng ngành xuất khẩu công nghiệp văn hóa trị giá 10 tỷ USD vào năm 2019.

Mặc dù việc ghi danh vào các khóa học ngôn ngữ đang suy giảm trên toàn nước Mỹ, nhưng chỉ tính riêng giai đoạn 2013-2016, tiếng Hàn tại các trường đại học Mỹ đã tăng 14% số người theo học.

Một so sánh dài hạn cho thấy tương phản rõ ràng hơn, với 14.000 sinh viên ở Mỹ học tiếng Hàn vào năm 2018, so với chỉ 163 năm 1998.

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc tài trợ 20 - 30% quỹ đầu tư 1 tỷ USD dành để nuôi dưỡng và xuất khẩu văn hóa đại chúng.

Một trong những chiến lược quản lý Hallyu là nghiên cứu cẩn thận đối tượng mục tiêu, tìm hiểu sản phẩm nào sẽ có xác suất thành công cao nhất ở các thị trường khác nhau.

Có thể nói, không ai hiểu thị trường văn hóa tốt hơn Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng rất tích cực trong việc quản lý Hallyu bên ngoài quốc gia bằng cách tổ chức các lễ hội văn hóa, thực hiện nhiều chiến dịch PR.

Kể từ tháng 1/2016, Dịch vụ Văn hóa Thông tin Hàn Quốc đã thành lập 28 Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại 24 quốc gia trên khắp thế giới để quảng bá Hallyu.

“3 Bs” đằng sau sức mạnh mềm của Hàn Quốc

Vào năm 2012, Gangnam Style của Psy khiến cả thế giới say mê thực hiện điệu nhảy ngựa, chứng minh rằng nội dung văn hóa của Hàn Quốc có thể lan tỏa toàn cầu.

Chuyển nhanh đến năm 2019, quốc gia có dân số 51 triệu người này đã nâng tầm thành cường quốc văn hóa - với các nghệ sĩ và nội dung không chỉ khiến khán giả toàn cầu phát cuồng mà còn giành được sự ca ngợi quốc tế.

Bằng chứng? Đây là “3 Bs” đến từ Hàn Quốc.

Bong Joon-ho

Bong Joon-ho và bộ phim "Parasite" giành bốn giải Oscar, bao gồm các danh hiệu cho phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất.

Chiến thắng này theo sau một danh sách dài các danh hiệu trước đó, bao gồm Quả cầu vàng và Cành cọ tại Liên hoan phim Cannes.

"Parasite" là bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải “Phim xuất sắc nhất” trong lịch sử 92 năm của Oscar.

BTS

Nhóm nhạc nam gồm 7 thành viên BTS đang làm nên lịch sử K-pop. Ban nhạc có một lượng lớn người hâm mộ trên khắp thế giới, tự gọi là “Đội quân BTS”.

BTS cũng đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc ở nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Úc.

Họ còn làm nên lịch sử khi là ban nhạc Hàn Quốc đầu tiên biểu diễn tại lễ trao giải Grammy, đồng thời lập kỷ lục đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Social 50 trong 165 tuần liên tiếp.

Big Hit Entertainment cho biết họ đã tạo ra doanh thu kỷ lục 587,9 tỷ won, lãi ròng 97,5 tỷ won trong năm 2019, gấp đôi so với năm trước.

Thành công của BTS có tác động thậm chí còn mạnh mẽ hơn đối với nền kinh tế. Năm 2018, Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai cho biết hiện tượng BTS tạo ra giá trị khoảng 5,5 nghìn tỷ won mỗi năm.

Chẳng hạn, theo Bang Si-hyuk, người sáng lập và CEO của Big Hit Entertainment, các buổi hòa nhạc ba ngày của BTS tại Seoul mang về tới 187.000 du khách đến Hàn Quốc, tạo ra 100 tỷ won giá trị kinh tế.

“Baby Shark”

Ai có thể ngờ bài hát thiếu nhi Hàn Quốc này lại thu hút sự chú ý khủng khiếp đến như vậy?

Tính đến tháng 6/2020, bài hát đạt gần 5 tỷ 800 triệu lượt xem trên YouTube. Thậm chí YouTube còn phải sửa bộ đếm lượt xem của mình thành 64 bit vì “Baby Shark” đã vượt quá giới hạn bộ đếm 32 bit (khoảng 4 tỷ 300 triệu).

Đầu tháng 1/2019, giới giải trí ngỡ ngàng khi chứng kiến ca khúc thiếu nhi này lọt vào top 40 bảng xếp hạng Top U.K tại Anh và Billboard Hot 100 tại Mỹ.

Bài hát hấp dẫn từ Pinkfong, một thương hiệu giáo dục trong công ty khởi nghiệp truyền thông Hàn Quốc SmartStudy, được dịch sang 19 ngôn ngữ khác.

Được hỗ trợ bởi “Baby Shark”, doanh số công ty tăng vọt từ 40 tỷ won trong năm 2018 lên 60 tỷ won vào năm 2019.

Công thức thành công?

“Khi tôi còn trẻ và học điện ảnh, có câu nói khắc sâu vào tận trái tim, đó là: Mang tính cá nhân nhất, là sự sáng tạo nhất", ông Bong Joon-ho nói trong bài phát biểu nhận giải Oscar.

“Cảm xúc và âm nhạc là những giá trị mà cả thế giới chia sẻ nhưng việc địa phương hóa một số nội dung vẫn cực kì quan trọng”, Giám đốc tài chính của Smart Study, Lee Seung-gyu, cho biết.

Dương Châu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nang-tam-cuong-quoc-van-hoa-d267737.html