Nâng tầm chất lượng hàng Việt nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA

EU là một thị trường bậc cao, để tham gia vào thị trường này hàng Việt cần phải nâng tầm về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn để được giảm thuế theo lộ trình.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa của nước ta, trong đó có nông sản. EU là một thị trường bậc cao, để bán được vào đây, hàng Việt cần nâng tầm về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường này để được giảm thuế theo lộ trình.

Nâng tầm chất lượng hàng Việt nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA. Ảnh minh họa.

Nâng tầm chất lượng hàng Việt nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ khi bắt đầu đàm phán FTA với EU, chúng ta đã có định hướng rõ về việc tổ chức sản xuất để tận dụng được cơ hội xuất khẩu từ hội nhập. Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến từng ngành hàng để có bước chuẩn bị nhất định, phổ biến quy định liên quan đến kiểm dịch động thực vật (SPS).

“Chúng tôi liên tục trao đổi hỏi đáp và cung cấp thông tin sớm nhất, cụ thể nhất, với mục tiêu nhắm tới là phải hài hòa các tiêu chuẩn. Đơn cử, trong ngành hiện có khoảng 1.100 tiêu chuẩn, 258 quy chuẩn. Tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn này đều phải rà soát hàng năm và cần bổ sung.

Với mỗi doanh nghiệp, điều cần thiết là sản phẩm xuất khẩu phải vượt qua được nhiều hàng rào kỹ thuật, nếu không chuẩn hóa quy trình sản xuất, sản phẩm không đạt chất lượng thì không thể hội nhập được”, ông Toản cho biết.

Còn về phía doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho hay, dù đem lại nhiều cơ hội nhưng EVFTA không phải là "đôi đũa thần", đừng kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng lên đột biến ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, mà đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực, thậm chí là nỗ lực rất nhiều mới tận dụng được cơ hội.

"Làm với khách hàng EU không hề dễ, nhất là về thủ tục hồ sơ, giấy tờ. Với các đơn hàng đầu tiên, doanh nghiệp phải mất 3-4 tháng để hoàn thiện hồ sơ là chuyện bình thường. Nhưng phải làm, không phải để xuất khẩu được hàng mà còn để nâng cao năng lực của mình lên, để hiểu về văn hóa của khách hàng, để thuận lợi hơn cho sau này" - ông Thông chia sẻ.

Đặc biệt, việc đáp ứng các vấn đề an toàn thực phẩm theo yêu cầu của EU là vấn đề hàng đầu, thời gian chuẩn bị hàng thậm chí ít hơn thời gian thực hiện các thủ tục giấy tờ, hồ sơ theo quy định. "Nhiều doanh nghiệp Việt quen với kiểu cứ thấy hồ sơ chứng từ, quy định là tìm cách xin xỏ hay lách cửa nọ cửa kia... Nhưng làm ăn với EU là phải đáp ứng các thủ tục hồ sơ, có tốn nhiều thời gian cũng phải làm..." - một doanh nghiệp khác chia sẻ.

Theo Bộ Công thương, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới (chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của VN. Tuy nhiên, VN chỉ mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU, nên cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa. Với 99% dòng thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm, EVFTA không chỉ đem lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu mà còn là đòn bẩy cho ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đưa nông - lâm - thủy sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thanh Tùng

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nang-tam-chat-luong-hang-viet-nham-tan-dung-co-hoi-tu-evfta-d177751.html