Nâng tầm các vùng chuyên canh sản xuất

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về diện tích và sản lượng nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái có lợi thế xuất khẩu.

Vùng chuyên canh cây bưởi da xanh sản xuất theo hướng an toàn tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.QUYÊN

Vùng chuyên canh cây bưởi da xanh sản xuất theo hướng an toàn tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.QUYÊN

Đồng Nai đang nỗ lực tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến tiêu thụ, chế biến. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư với mục tiêu trở thành trung tâm chế biến của khu vực và cả nước.

* Cần thoát lối sản xuất manh mún

Toàn tỉnh hiện có trên 170 ngàn ha cây lâu năm. Trong đó, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của Đồng Nai đạt trên 106 ngàn ha và gần 64 ngàn ha cây ăn trái. Toàn tỉnh cũng đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực với hơn 50 ngàn ha như: tiêu, ca cao, xoài, bưởi, sầu riêng…

Nhưng trong thực tế, các vùng chuyên canh này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Chỉ ra nguyên nhân, ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) phân tích, nguồn nguyên liệu chế biến không ổn định luôn là nỗi trăn trở của doanh nghiệp trong ngành này nhiều năm qua. Gần đây, doanh nghiệp làm thêm dòng sản phẩm chế biến từ chuối già vốn chỉ xuất khẩu tươi và được nhiều thị trường đón nhận. Ngay cả mặt hàng chuối tươi, thị trường nội địa tuy không có những đơn hàng lớn nhưng ổn định tiêu thụ quanh năm. Nhưng hiện các vùng sản xuất giống chuối già ở Đồng Nai chỉ quan tâm làm hàng xuất khẩu nên không quan tâm kết nối, phát triển kênh tiêu thụ nội địa. Theo đó, khi đơn hàng xuất khẩu bị ùn ứ là rơi vào cảnh phải đổ bỏ vì không có nơi tiêu thụ.

Cũng theo ông Vân, hiện nay, Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh cùng trồng một loại cây nhưng mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết giữa vùng này, vùng kia để sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng cả sản lượng và chất lượng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu. Theo đó, việc đầu tư cho giao thông và nhiều chính sách liên kết vùng là rất cần thiết trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Nhưng cái gốc vấn đề vẫn là thay đổi về nhận thức của nông dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng được những chuỗi liên kết thật sự bền vững. Mỗi vùng, mỗi địa phương cần định hướng quy hoạch và nông dân cần tôn trọng quy hoạch đó vì nó được tính toán trên cơ sở khoa học.

GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận xét, Đồng Nai đã hình thành được một số vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn trái với diện tích và sản lượng lớn. Nhưng nhiều loại trái cây của Đồng Nai vẫn chưa xuất khẩu được vào các thị trường khó tính do các vùng chuyên canh hiện nay vẫn sản xuất trên nền tảng manh mún, nhỏ lẻ. Nông dân vẫn mỗi người làm một kiểu do chưa theo một quy trình chuẩn trong sản xuất; xây dựng được chuỗi liên kết nhưng vẫn thiếu bền vững.

* Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Theo nhiều doanh nghiệp đánh giá, Đồng Nai có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư vào ngành chế biến nông sản. Thực tế, địa phương đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành này. Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), hiện cả nước có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với tổng công suất trên 75 ngàn tấn/năm. Trong đó, chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa giai đoạn 1 đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước. Gần đây, một số doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư.

Không chỉ những tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng quan tâm đầu tư khâu chế biến. Để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, Đồng Nai đang triển khai thí điểm 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản gồm: Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao (H.Cẩm Mỹ), Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán). Đây là cơ sở kết nối các địa phương hình thành được các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Theo Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Nam Biên, Cụm công nghiệp Phú Túc có vị trí thuận lợi, hiện đã cơ bản hoàn thành đầu tư các đường giao thông kết nối cũng như hệ thống điện phục vụ sản xuất. Huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án đường nối cụm công nghiệp với 3 huyện có vùng nguyên liệu nông sản lớn gồm: Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển nguyên liệu về nơi chế biến.

Cùng quan điểm, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Cao Văn Quang nhấn mạnh, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực triển khai để dự án Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao (xã Long Giao) sớm đi vào hoạt động. Huyện không chỉ quan tâm thu hút đầu tư chế biến nông sản ít ô nhiễm môi trường và phục vụ được cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương mà đây còn là bước đột phá để phát triển ngành nông nghiệp bền vững cho cụm vùng Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh… Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư vào cụm công nghiệp.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Toản, Đồng Nai có vùng nguyên liệu trù phú, dồi dào các loại nông sản, đặc biệt là các loại đặc sản trái cây, rau củ nên là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư vào chế biến. Đồng Nai cần đặt ra những mục tiêu, mục đích cụ thể trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư từ trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế để phát triển ngành chế biến cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Lê Quyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202011/nang-tam-cac-vung-chuyen-canh-san-xuat-3029298/