Nâng sức cạnh tranh bắt đầu từ tăng khả năng chống chịu cho doanh nghiệp

Quan điểm trên được nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ tại hội nghị 'Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp' do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với một số cơ quan tổ chức tại Hà Nội ngày 15/5/2019. Thảo luận của hội nghị này hướng tới việc tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác để đưa nền kinh tế phát triển ổn định.

Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện cho nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện cho nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Nhà nước cần quan tâm việc “trấn an” cho các doanh nghiệp

Đây là thông điệp do chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đưa ra trong báo cáo nêu tại hội nghị. Báo cáo này nhìn nhận hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Hệ số ICOR trung bình giai đoạn 2011-2018 của Việt Nam đã giảm xuống còn 5,24 lần song vẫn là mức cao so với tiêu chuẩn của WB đối với nước đang phát triển (3-4 lần); đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng giai đoạn 2011-2018 chỉ ở mức trung bình thấp (khoảng 32,6%), cách xa so với mức trung bình trong khu vực năm 2017 (45-55%); thấp hơn Thái Lan, Philippines (70%) và Malaysia (64%).

Bên cạnh đó, theo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có thể thấy 5 năm qua (2014-2018), Việt Nam chủ yếu có tiến bộ về các trụ cột cơ bản và có tính quy mô như quy mô thị trường (mức bình quân nằm trong top 23% các nền kinh tế có xếp hạng cao nhất), hiệu quả thị trường lao động (trong top 39%), y tế và giáo dục tiểu học (trong top 45%), môi trường kinh tế vĩ mô (trong top 54%), cơ sở hạ tầng (trong top 56%); trong khi các trụ cột thuộc nhóm gia tăng hiệu suất như mức độ tinh thông trong hoạt động kinh doanh, hiệu quả thị trường hàng hóa... ít có sự cải thiện, thậm chí giảm sút.

Ngoài ra, theo bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 năm 2018, các trụ cột liên quan đến việc ứng dụng CNTT và kỹ năng của lao động, hệ thống tài chính và năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa được đánh giá cao, cụ thể thị trường hàng hóa nằm trong top 73%), mức độ tinh thông trong kinh doanh trong top 72%, kỹ năng của lực lượng lao động top 69% và ứng dụng CNTT top 68%.

Báo cáo này đã đưa ra một quan điểm đáng chú ý là tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp phải bắt đầu từ khái niệm mà báo cáo này gọi là “sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp”. Lý do là bên cạnh dư địa tài khóa và tiền tệ eo hẹp; khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam còn bị giới hạn đáng kể bởi khung chính sách kinh tế vĩ mô chưa thực sự linh hoạt, cùng thể chế và hệ thống thông tin chưa hoàn toàn sẵn sàng để chủ động phát hiện và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro cú sốc. Do đó, theo đánh giá của IMF, nếu Việt Nam không xây dựng, sử dụng kịp thời các chính sách để hạn chế, xử lý rủi ro và củng cố các “bộ đệm” phù hợp, khả năng chống chịu rủi ro và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung dài hạn sẽ ngày càng bị hạn chế.

Trong số các giải pháp mà báo cáo này khuyến nghị, giải pháp hàng đầu là chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại và giá cả; xây dựng kịch bản điều hành giá; theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đồng thời thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế; chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững.

Hai rào cản với việc cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp hai rào cản cần tập trung giải quyết được là mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số và quản trị doanh nghiệp.

Liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua chuyển đổi số, bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhìn nhận, 5 lợi ích của chuyển đổi số mà doanh nghiệp không thể bỏ qua là giúp doanh nghiệp tăng tỷ suất lợi nhuận, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ mới và tăng doanh thu từ các sản phẩm dịch vụ cũ và tăng lòng trung thành của khách hàng.

Theo phân tích của bà Lại Việt Anh, hiện các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ ở Việt Nam có mức độ sẵn sàng cao hơn trong việc ứng dụng công nghệ số so với các doanh nghiệp khác. Do vậy cần có giải pháp khuyến khích ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử nhằm tạo sức lan tỏa và lực đẩy chung cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực khác.

Trong khi đó cũng liên quan đến vấn đề cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, tại hội nghị, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho thấy mối ưu tư của giới tư vấn khi ông đặt câu hỏi một cách khá thẳng thắn là tuy tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam trụ lại trên thị trường giai đoạn 2016-2018 đã cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 1,8 so với 1,4 nhưng “Việt Nam đã có được một lực lượng doanh nghiệp chưa hay chỉ là một “đống” các doanh nghiệp?”.

Phân tích về điểm này, TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tại hội nghị cho rằng, sự thoái trào của không ít các doanh nghiệp Việt gần đây cũng như các tranh chấp, thậm chí là ngay cả trong nội bộ các doanh nghiệp start-up đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu vắng một triết lý quản trị công ty. Ông Hiếu phân tích, mọi xung đột vui buồn của doanh nghiệp đều bắt nguồn từ quản trị. Nói khác đi, quản trị doanh nghiệp giúp doanh nghiệp bền vững hơn, tránh được các nguy cơ xung đột hay thậm chí là sụp đổ.

TS Hiếu cho biết xét về các mức thang của quản trị doanh nghiệp, thế giới hiện có 4 mức. Mức 1 là thức tỉnh về quản trị, mức 2 là nâng cao nhận thức về quản trị, mức 3 là áp dụng và mức 4- mức cao nhất là thay đổi văn hóa về quản trị. “Việt Nam mới qua được mức 1 và đang chập chững vào bước 2”, TS Hiếu nhìn nhận.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-suc-canh-tranh-bat-dau-tu-tang-kha-nang-chong-chiu-cho-doanh-nghiep-119679.html