Năng suất ngành dệt may dự báo 'bùng nổ' trong cách mạng 4.0

Khả năng tăng năng suất ngành dệt may sẽ lên cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường khi áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn (big data).

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: T.Thạnh

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam. Ông Trường cho rằng: “Từ trước đến nay, các quốc gia đang phát triển, các quốc gia có đông lực lượng lao động đều coi các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản, là những ngành để tạo việc làm nhưng cũng luôn luôn cho rằng đây là những ngành tạo ra giá trị thấp, thu nhập thấp. Nhưng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh...".

Theo đánh giá, với việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn thì khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường. Vì thế những ngành vẫn bị đánh giá là thu nhập thấp sẽ có khả năng cải thiện rất nhanh thu nhập của mình và tạo ra một ngành dệt may, da giày mới mà ở đó thu nhập của người lao động có thể tiệm cận, tương đương với các ngành khác. Đây cũng chính là cơ hội lớn để ngành tiếp tục thu hút được lượng lớn các lao động, phát triển bền vững hơn, tránh được tình trạng biến động lao động.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ 4.0 của doanh nghiệp vừa qua, bà Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú đã chia sẻ những thành quả từ việc đầu tư máy móc thiết bị theo hướng công nghệ 4.0 vào sản xuất và sự cần thiết nâng cao trình độ lao động. Cụ thể, trong công đoạn phun PP sản phẩm quần Jeans cần 20 công nhân thực hiện bằng phương pháp thủ công. Đây là công đoạn cần nhiều nhân lực và có sử dụng hóa chất nên ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe lao động. Công ty đã quyết định đầu tư Robots để thay thế con người. Kết quả sau khi đầu tư Robots thì công đoạn phun đã tăng năng suất phun lên 10 lần. Công nhân bộ phận phun được chuyển sang bộ phận khác, sức khỏe công nhân cũng được đảm bảo hơn.

Hoặc như tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân, doanh nghiệp này luôn chú trọng phát triển công nghệ tự động hóa, hướng tới việc tiết giảm chi phí, gia tăng biên lợi nhuận nhờ lợi thế về quy mô. Hiện tại, Đức Quân đang có 3 nhà máy với tổng 108.700 cọc sợi cho ra công suất 17.000 tấn/năm. Nhờ vào những ứng dụng mới và đồng bộ hóa các thiết bị nên sản lượng nhà máy mới tăng gấp 2 lần nhưng số lượng lao động vận hành nhà máy chỉ tăng 50% so với các nhà máy trước, qua đó tiết giảm cao chi phí lao động và các chi phí khác liên quan.

Ông Lê Tiến Trường đánh giá, ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là Sợi – Dệt nhuộm – May mặc, trong đó ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình này đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số người lao động. Ví dụ: Nếu như trước đây 10 năm, 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động thì đến năm 2016, những doanh nghiệp tiên tiến nhất của Việt Nam với 10 nghìn cọc sợi cũng chỉ cần 25 – 30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước đây...

“Áp dụng công nghệ thế hệ mới sẽ giúp cho năng suất lao động được tăng lên và sử dụng ít lao động hơn nên khoảng cách về chi phí lao động trong 1 sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng hẹp lại. Chính vì thế có những mặt hàng giá trị cao, nếu được tự động hóa thì hoàn toàn có thể quay về chính quốc để sản xuất” ông Trường nhận định.

Cũng theo ông Trường, trong giai đoạn tới, việc cần chuẩn bị quan trọng nhất đó là luôn luôn cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này và phải chấp nhận trong giai đoạn này, tốc độ thay đổi công nghệ trên thế giới sẽ diễn ra nhanh hơn trước kia. Các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.

Hồng Anh

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/nang-suat-nganh-det-may-du-bao-bung-no-trong-cach-mang-40-635492.ldo