Năng suất lúa, cà phê Việt Nam cao nhất thế giới nhưng tiền thu về ít nhất

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam có năng suất lúa bình quân 6-6,2 tấn/ha, cà phê cũng 2,5-3 tấn/ha là mức cao nhất, nhưng tiền lại thu về lại thấp nhất, vì chủ yếu là xuất thô.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng Nền Nông nghiệp Việt Nam phải đi theo hướng hiện đại, thông minh, trong đó, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là tất yếu là bắt buộc.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng Nền Nông nghiệp Việt Nam phải đi theo hướng hiện đại, thông minh, trong đó, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là tất yếu là bắt buộc.

Sáng 28/8, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị: Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận ở cùng thời điểm.

Hiện cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017. Tổng công suất các nhà máy hiện đã đạt gần 1,2 triệu tấn/năm.

Sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ cũng phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và dự kiến sẽ tăng lên 1 triệu tấn vào năm 2020.

Một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Sông Gianh... đã hợp tác với nhiều địa phương để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó chuyển giao cho các hộ nông dân quy trình tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày làm phân bón hữu cơ tại chỗ.

Tuy nhiên, theo ông Trung, hiện số lượng và sản phẩm phân bón hữu cơ, vẫn còn khiêm tốn so với phân bón vô cơ, chỉ chiếm 11,6 %, trong khi phân bón vô cơ chiếm tới 86,9%.

Theo ông Trung, Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn, với nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn.

Phân bón vô cơ hiện vẫn chiếm khoảng 87% trong số 13 triệu phân bón được sử dụng trên đồng ruộng Việt Nam mỗi năm

Theo Bộ trưởng NN&PTNT, nhìn chung nông nghiệp Việt Nam còn phát triển theo chiều rộng, chuỗi giá trị ngắn, thấp nên bấp bênh, đặc biệt lại hay đối diện với dịch bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam đang bị tổn thương nặng nề do thiên tai và phải thích ứng với quá trình hội nhập sâu rộng với 12 Hiệp định thương mại, đặc biệt là CPTPP và EVFTA.

Ông Cường cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cần phải chuyển từ bề rộng sang bề sâu, từ sản xuất sản phẩm bình thường, sang sản phẩm chất lượng cao, đặc sản, không cần chạy theo số lượng.

Nền Nông nghiệp Việt Nam phải đi theo hướng hiện đại, thông minh, trong đó, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là tất yếu là bắt buộc.

Bộ trưởng Cường cho rằng: “Một đất nước mà bình quân 6-6,2 tấn/ha cao nhất thế giới, cà phê cũng 2,5-3 tấn/ha cũng cao nhất, nhưng tiền lại thu về lại thấp nhất, vì chủ yếu là xuất thô”.

Theo ông Cường, hiện trong 13 triệu tấn phân bón nông dân Việt Nam sử dụng mỗi năm chủ yếu là phân bón vô cơ. Khi sử dụng phân bón vô cơ nhiều sẽ gây hệ lụy hệ sinh thái tài nguyên đất, giảm về độ phì, cơ, lý hóa, bị rửa trôi. “Đến đỉa, ếch, nhái cũng hết…một hệ sinh thái như thế là hết sức nguy hiểm”, ông Cường nói.

Phạm Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/nang-suat-lua-ca-phe-viet-nam-cao-nhat-the-gioi-nhung-tien-thu-ve-it-nhat-1457620.tpo