Năng suất lao động nhóm ngành nông nghiệp thấp nhất nền kinh tế

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân tăng lương khá sát với mức tăng năng suất lao động.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay, giá trị năng suất lao động (NSLĐ) tổng hợp của Việt Nam có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm. NSLĐ bình quân tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động/năm vào năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động/năm năm 2017.

VEPR tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 tại Hà Nội sáng nay (8/5) với chủ đề chính: "Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất".

Trong giai đoạn 2012-2017, NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.

Trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế vẫn duy trì NSLĐ ở mức cao là ngành Khai khoáng, Sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng, Hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, Hoạt động kinh doanh bất động sản, Cung cấp nước. Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có NSLĐ chưa cao. Còn ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

Tuy nhiên, tốc độ tăng lương trung bình năm (6,7%) vẫn vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động (5%) trong giai đoạn 2004-2015 (đặc biệt sau năm 2009). Mối liên hệ giữa mức lương bình quân và NSLĐ thay đổi theo thời gian, loại hình sở hữu doanh nghiệp và theo ngành kinh tế, VEPR nhận định.

Theo loại hình sở hữu, tăng trưởng tiền lương đã vượt mức tăng NSLĐ của các doanh nghiệp FDI, nhưng thấp hơn mức tăng NSLĐ của các doanh nghiệp nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư nhân, tăng trưởng lương trung bình khá sát với mức tăng NSLĐ.

Về tác động của việc điều chỉnh lương tối thiểu, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, việc tăng lương tối thiểu nhìn chung dẫn đến tăng lương trung bình và giảm việc làm cũng như giảm tỷ suất lợi nhuận, dù rằng những ảnh hưởng này có khác biệt đáng kể giữa các thành phần kinh tế.

Doanh nghiệp tư nhân tăng lương sát với tăng năng suất lao động. (Ảnh minh họa: KT)

Theo ông Nguyễn Đức Thành, khi lương tối thiểu tăng, khu vực tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó. Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ, và đồ nội thất cũngcó xu hướng thay thế lao động bằng máy móc.

Báo cáo của VEPR phân tích, ở cấp độ doanh nghiệp với trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân và FDI trong các ngành công nghiệp sản xuất đã chỉ ra rằng, tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn) thì cắt giảm việc làm nhiều hơn.

Về đầu tư máy móc, khi lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc.

Điều này cho thấy doanh nghiệp chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào máy móc (để thay thế lao động) trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh. Còn với một số ngành quan trọng khác, doanh nghiệp có thể không muốn mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và do dó mất đi lợi thế so sánh.

Chính vì vậy, điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua. Việc tăng lương tối thiểu có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và quan trọng hơn, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động. Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động.

Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn, VEPR nêu rõ./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/nang-suat-lao-dong-nhom-nganh-nong-nghiep-thap-nhat-nen-kinh-te-759743.vov