Nâng sứ mệnh của hàng Việt trong kỷ nguyên vươn mình

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đưa cán cân thương mại xuất siêu liên tục từ năm 2016. Hàng Việt chiếm tỷ lệ trên 80% tại các siêu thị và từ 60% tại kênh bán lẻ truyền thống.

Sáng 12-11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự.

Hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ trên 80% tại các siêu thị. Ảnh: L.Giang

Hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ trên 80% tại các siêu thị. Ảnh: L.Giang

Góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, với mục tiêu “Phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài".

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền về cuộc vận động; rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng; kiểm tra, kiểm soát thị trường; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế nhập khẩu, hình thành văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt, hệ thống phân phối hiện đại ưu tiên phân phối hàng Việt Nam…

Sau 15 năm, từ hoàn cảnh hết sức khó khăn, cuộc vận động đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay liên tục tăng trưởng khoảng 10%/năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay.

Đặc biệt, cán cân thương mại xuất siêu liên tục từ năm 2016. Hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Từng bước, những tập đoàn kinh tế đủ mạnh đã hình thành, dẫn dắt các phân ngành công nghiệp.

Nhiều chuỗi cung ứng trong nước được hình thành: Chuỗi cung ứng điện, khí LNG, điện tử, thép, dệt may - thời trang, da giày, đồ gỗ… Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2023, 63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam, trong khi tỷ lệ này năm 2010 là 12,4%. Tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao, đứng vị trí thứ 44 trên thế giới năm 2018 và đứng thứ 30 vào năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Thông qua cuộc vận động, người tiêu dùng Việt Nam trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: L.Giang

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: L.Giang

Để cuộc vận động có kết quả toàn diện hơn

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị, trong giai đoạn phát triển mới với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Công Thương và các cấp, ngành tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam.

Những bài học kinh nghiệm cần được nghiên cứu, đúc rút để tạo ra đột phá mạnh mẽ hơn trong việc triển khai cuộc vận động, nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết FTA.

Các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu cần được đổi mới, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...

Phó Thủ tướng cũng lưu ý phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống.

Đặc biệt, doanh nghiệp tiếp tục chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ với giá cả phù hợp và phát triển kênh phân phối đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tại sự kiện, các cơ quan chức năng, chuyên gia, doanh nghiệp, địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm tại 3 phiên thảo luận, với chủ đề "Tự hào hàng Việt Nam - Hành trình khát vọng"; "Sứ mệnh của hàng Việt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"; "Hàng Việt - Câu chuyện sức nước ngàn năm".

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-su-menh-cua-hang-viet-trong-ky-nguyen-vuon-minh-684252.html