Nắng nóng tại Hà Tĩnh khiến bệnh nhi nhập viện gia tăng

Hiện số bệnh nhân nhập viện vì sốt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm não Nhật Bản... gia tăng từ 10 đến 15%.

Nắng nóng đỉnh điểm những ngày gần đây khiến lượng bệnh nhi gia tăng đột biến tại nhiều tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh. Hiện số bệnh nhân nhập viện vì sốt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm não Nhật Bản... gia tăng từ 10 đến 15% tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh này. Với diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ sức khỏe con em mình.

Chị Hoàng Thị Kim Oanh ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ôm con vào lòng, vừa đi vừa dỗ dành con ăn thêm chút cháo. Con gái chị, cháu Nguyễn Hồng Linh, 8 tháng tuổi bị tiêu chảy đã 4 ngày nay. Cháu bé liên tục nôn mửa và sốt nhẹ.

“Cháu bị tiêu chảy 7 lần 1 ngày, sốt nhẹ nên tôi mới cho vào bệnh viện. Có khả năng là do khi tôi nấu cháo với thịt, bỏ ngoài trời nóng trong thời gian dài nên cháo dễ hỏng”, chị Hoàng Thị Kim Oanh cho biết.

Chị Trần Thị Thúy, mẹ của bé Nguyễn Anh Thơ 4 tháng tuổi cũng luôn tay chườm khăn nóng để hạ sốt cho con. Con gái chị, bé Nguyễn Anh Thơ, 4 tháng tuổi bị sốt cao li bì, chảy nước mũi, chưa tìm ra nguyên nhân nhưng nhiều khả năng là do nhiễm trùng máu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, lượng bệnh nhân đến khám vì mắc các bệnh do nắng nóng kéo dài tăng từ 10 đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng lo ngại, có nhiều trẻ bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt.

Nguyên nhân do trẻ ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, điều hòa chỉ nên để ở mức 27-28 độ C, tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ cho bé khi ra ngoài.

Điều dưỡng Trần Thị Lệ Xuân, làm việc tại khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh lưu ý các gia đình nên chú ý giữ cho trẻ ổn định nhiệt độ, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng thấp, quá chênh lệch so với ngoài trời, khiến trẻ bị sốc nhiệt.

Và riêng với trẻ có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp, điều dưỡng Trần Thị Lệ Xuân khuyên các gia đình: “Thường các cháu mùa này đổ mồ hôi nhiều nhưng các mẹ không biết, nửa đêm các mẹ cũng phải thay áo, lau lưng cho cháu vì thường mồ hôi hấp lưng sẽ bị hấp ngược lại vô tình sẽ khiến con cảm lạnh. Hoặc vô tình các bạn bị sốt này khi nhiệt độ hạ xuống sẽ tỏa nhiệt, áo sẽ ướt, nếu các mẹ không lấy khăn khô lau áo con sẽ rất dễ bị bệnh viêm hô hấp”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Hữu Anh, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp thần kinh, tiêu hóa.

Những ngày đầu của đợt nắng nóng, số lượng bệnh nhân nhập viện chưa đột biến, nhưng theo kinh nghiệm vào các năm trước có những đợt nắng nóng kéo dài, lượng người già, trẻ nhỏ nhập viện có lúc quá tải, nhiều người bị đột quỵ, tim mạch.

Bác sỹ Lê Hữu Anh lưu ý các gia đình có con nhỏ: “Chúng tôi cũng cố gắng tư vấn cho người nhà phòng bệnh là chính, khi mắc bệnh nên đến khám sớm để được tư vấn và phát hiện kịp thời các bệnh nặng, và xử lý kịp thời.

Vì thời tiết quá nóng nên khuyến cáo các bậc phụ huynh nên phòng chống nắng nóng mùa hè cho các cháu, đặc biệt là tăng nguồn nước điện giải để bù nước, tăng cường dinh dưỡng hợp lý, cân đối để đảm bảo cho sức khỏe các cháu được ổn định hơn”./.

Bích Ngọc – Thúy Ngà/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nang-nong-tai-ha-tinh-khien-benh-nhi-nhap-vien-gia-tang-783566.vov