Nắng nóng ở TP HCM: Cảnh báo phòng ngừa những mối nguy hại từ tia UV

Những ngày qua, nhiệt độ và bức xạ tia cực tím (tia UV) tại khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM đang ở mức cao, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.

Bức xạ tia cực tím tại TP HCM đang ở mức rất cao, cần che chắn kỹ khi ra đường. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thông tin trên VNN cho biết, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiệt độ tại khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM đang ở mức cao, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 35-36 độ C. Bức xạ tia UV trong ngày 14-2 đã đạt mức 10-12.

Những nguy hiểm từ tia UV

Theo Zing, các bác sĩ cảnh báo mức tia UV này có thể gây phỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cơ thể càng lớn.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết bức xạ cực tím (ultraviolet radiation) là thành phần trong ánh sáng mặt trời, quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da.

"Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị phỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da", bác sĩ Vũ nhấn mạnh. Tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số UV cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút.

Theo PGS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cường độ tia cực tím phụ thuộc vào mây, mùa, thời tiết… Ví dụ, trời nắng nhưng nhiều mây, lượng tia cực tím sẽ yếu hơn và ngược lại. Thông thường, khoảng thời gian từ 10h đến 14h hàng ngày là khoảng thời gian có chỉ số tia cực tím cao nhất.

Đại tá Phạm Văn Tiến, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103, cho hay tia cực tím gây ảnh hưởng nhiều nhất đến mắt khi không đeo kính bảo hộ. Các tế bào bao bọc mắt có thể bị phá hủy do tia nắng, nhất là khi phản chiếu dội lên từ mặt xi măng, cát hay nước.

Sau khi bị tia cực tím chiếu, từ 6-15 giờ đồng hồ, bệnh nhân có những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng. Thông thường, nếu tiến triển tốt, sau 8 giờ, những triệu chứng này sẽ tự khỏi.

Trường hợp cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia cực tím còn có khả năng gây các chứng bệnh về mắt trầm trọng hơn, như suy hoại võng mạc, cườm mắt, lòa thậm chí mù mắt.

Ngoài ra, tia UV còn có thể gây ra một số tác hại đối với sức khỏe con người như ung thư da, khối u ác tính, ung thư mô tế bào cơ bản, ung thư mô tế bào hình vảy, lão hóa nhanh, ức chế miễn dịch.

Làm thế nào để phòng tránh tác hại của tia UV

Chia sẻ trên Báo Thanh niên, bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, đã cho biết các cách phòng chống tác hại của tia UV đến sức khỏe như sau:

- Tránh ra ngoài trời giờ nắng gắt: Tia UV nằm trong ánh sáng mặt trời. Khi nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia UV, từ sáng đến chiều tối, khi trời nắng gắt hay có mây, mưa. Tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 14, 15 giờ chiều. Vì vậy, không nên ra ngoài trời khi nắng gắt, đặc biệt trong khung giờ này trên. Nên tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát.

- Che chắn chống nắng cho da, mắt: Khi ra ngoài trời nắng, có thể mặc quần dài, áo dài tay, áo chống nắng. Cần đội nón rộng vành, có chiều rộng vành trên 2,5 cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng dù (ô).

Đeo mắt kính màu sậm, màu đen. Bịt kín khẩu trang che chắn da mặt. Đặc biệt, đeo khẩu trang phải phủ kín mặt, chừa hai mắt đeo kính. Sử dụng màu đen, sậm (quần áo, khẩu trang, kính râm) có tác dụng chống nắng 90%.

Khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%. “Nên dùng khẩu trang vải dầy, dệt chéo. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng, chống tia UV”, bác sĩ Minh khuyên cụ thể.

Bôi kem chống nắng là phương pháp hiệu quả giúp hạn chế tác hại của tia UV

Bôi kem chống nắng là phương pháp hiệu quả giúp hạn chế tác hại của tia UV

- Dùng kem chống nắng: Có thể sử dụng kem chống nắng và viên thuốc chống nắng. Các loại kem chống nắng có ký hiệu SPF tức chống tia UVB, ký hiệu dấu * hoặc + có tác dụng chống tia UVA. Vì vậy, cần lựa chọn kem chống nắng có cả hai đặc tính trên để có thể chống cả tia UVA và UVB. Chỉ số SPF càng cao, bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da.

Khi sử dụng kem chống nắng, cần thoa 20-30 phút trước khi đi ra ngoài nắng và sau 2 giờ phải thoa lại vì kem chống nắng chỉ có tác dụng khoảng 2 giờ.

“Đặc biệt, phụ nữ đang có thai và cho con bú cần thận trọng khi sử dụng kem chống nắng, chú ý các khuyến cáo của từng loại kem”, bác sĩ Minh lưu ý.

Thanh Vân (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nang-nong-o-tp-hcm-canh-bao-phong-ngua-nhung-moi-nguy-hai-tu-tia-uv/799551.antd