Nắng nóng, người cao huyết áp cần biết những điều này để khỏi đột quỵ

Nắng nóng dễ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe của người cao huyết áp như: tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, thậm chí đột quỵ và tử vong.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Theo PGS.TS Nguyễn Quýnh, Bệnh viện Thu Cúc chia sẻ: "Vào mùa hè, sự bài tiết mồ hôi ra tăng, nên quá trình trao đổi chất cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng, dễ dẫn đến những bệnh lý liên quan đến máu, làm tăng tỉ lệ nguy cơ cho tim và não."

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết - Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết: Ở người trưởng thành, tăng huyết áp chiếm khoảng 20-25%. Còn ở người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên), tỷ lệ mắc tăng huyết áp lên đến hơn 50%. Thậm chí, theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ tăng huyết áp ở NCT rơi vào khoảng 55 – 60%. Điều đó có nghĩa là cứ hai NCT sẽ có một người mắc bệnh tăng huyết áp.

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, có NCT bị huyết áp cao nhưng hầu như không có biểu hiện, triệu chứng gì. Vì vậy người ta vẫn gọi tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng". Bệnh có thể diễn biến 5 – 10 năm chưa có biểu hiện gì nhưng thực sự đã gây ra những tác động xấu trong cơ thể. Dù là bệnh không lây nhiễm nhưng tăng huyết áp lại là bệnh lý rất nguy hiểm và là bệnh "đồng hành" cùng NCT vì có đến 90% không có nguyên nhân, tức là tiên phát. Do đó, NCT phải học cách chung sống hòa bình với bệnh.

Trong số các yếu tố ngoại cảnh tác động đến sự thay đổi huyết áp của NCT, các chuyên gia đánh giá, nhiệt độ môi trường được xem là một trong những nguy cơ quan trọng, trong đó, thời tiết nắng nóng mùa hè cũng rất nguy hiểm với căn bệnh này. Theo BS Trương Quang Anh Vũ (Bệnh viện Thống nhất, TPHCM), nhiệt độ cao có thể làm huyết áp tăng, giảm khó kiểm soát hơn.

Các bác sỹ khuyến cáo, khi thời tiết nắng nóng, người bị cao huyết áp cần chú ý uống đủ nước. Ảnh minh họa: Intenet

Cụ thể, nó vừa khiến thân nhiệt người bệnh tăng, kích thích làm tim đập nhanh, gây tăng huyết áp. Nhưng cũng có thể khiến cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để làm giảm thân nhiệt. Điều này lại làm cơ thể mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, nếu NCT không kịp thời uống bù đủ nước thì có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm hơn như trụy mạch, tụt huyết áp, thậm chí đột quỵ.

Một yếu tố khác là trong trời nắng nóng, nhiều người thường "lười" vận động và ít ra ngoài. Họ có xu hướng ngồi trong phòng điều hòa, nhiệt độ thấp nhiều hơn. Điều này rất nguy hiểm vì có thể gây co mạch đột ngột và làm tăng huyết áp trong cơ thể. Bên cạnh đó, đặc trưng của NCT là hay bị mất ngủ vào ban đêm, nhất là khi thời tiết nóng nực, NCT càng dễ bị bứt dứt, khó chịu và gây mất ngủ. Điều đó kéo theo hiện tượng ban đêm huyết áp tăng làm hại tim mạch. Nếu để tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch (đau tim, nhồi máu cơ tim...).

Để tránh nguy cơ bệnh tăng nặng, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim... PGS. TS. Nguyễn Đức Hải, BV Trung ương quân đội 108 khuyên: Cần tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ, không đột ngột từ phòng lạnh ra ngoài trời nóng. Không nên để nhiệt độ phòng quá lạnh, nhiệt độ phù hợp nên từ 26ºC trở lên; chú ý sử dụng các thuốc hạ áp, nhất là khi phối hợp nhiều thuốc hạ áp có tác dụng giãn mạch; không nên làm việc hay vận động nhiều ngoài trời nhằm đề phòng giãn mạch quá mức. Nếu không thể tránh, nên làm việc lúc sáng sớm trước 10 giờ hoặc khi chiều muộn sau 15 giờ, nhưng làm vừa sức.

Người bị tăng huyết áp vẫn cần vận động nhẹ nhàng, quan trọng là biết tập luyện điều độ, phân bổ hợp lý về cường độ và thời gian tập. Ảnh minh họa: Internet

Người bị tăng huyết áp vẫn cần vận động nhẹ nhàng, quan trọng là biết tập luyện điều độ, phân bổ hợp lý về cường độ và thời gian tập. Nên vận động toàn thân với nhịp độ chậm vừa, có thể chọn các bài tập dưỡng sinh, bơi lội, lên xuống cầu thang chậm rãi, đi xe đạp chậm, đi bộ... Tập đều đặn 30 phút mỗi ngày vào những lúc trời râm mát. Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống. Không nên uống nhiều thức uống có đường, nước ngọt có gas...

Ngoài ra, hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn. Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Ăn nhiều rau quả xanh, trái cây để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Đồng thời, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu và tránh các chất kích thích như cà phê...

Theo các BS, trong thời tiết nóng bức những người cao huyết áp nên lưu ý những việc sau:

Bổ sung đủ nước
Hạn chế ra ngoài nắng
Không để điều hòa nhiệt độ chênh lệch quá lớn với bên ngoài
Vận động đều đặn
Thăm khám sức khỏe thường xuyên

Hòa Thuận (tổng hợp)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/nang-nong-nguoi-cao-huyet-ap-can-biet-nhung-dieu-nay-de-khoi-dot-quy-1436726.tpo