Nắng nóng làm tăng thêm mối lo suy thoái kinh tế

Vốn đã chật vật vì tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục, các nền kinh tế lớn tại Mỹ và châu Âu giờ đây lại phải đối mặt với những thách thức mới từ thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.

Nước sông Rhine xuống mức thấp kỷ lục. Nguồn: CNN

Nước sông Rhine xuống mức thấp kỷ lục. Nguồn: CNN

Nắng nóng làm đình trệ hoạt động vận tải

Tại các quốc gia ôn đới như Vương quốc Anh, các đợt nắng nóng đang ảnh hưởng xấu tới các công trình cơ sở hạ tầng giao thông vốn không được thiết kế để chống chịu với nhiệt độ khắc nghiệt. Tại Luton, thành phố cách London gần 50 ki-lô-mét về phía Đông Bắc, nhiệt độ cao kỷ lục đã làm tan chảy một đường băng của sân bay, khiến các chuyến bay tại đây phải tạm hoãn trong vòng vài giờ. Tại Portland, nhiệt độ quá cao đã làm tan chảy các dây cáp điện, khiến thành phố phải đóng cửa dịch vụ đường sắt. Ở một số nơi khác, nhiệt độ cao cũng làm vênh các đường ray bằng thép, dẫn tới sự chậm trễ của nhiều tuyến tàu chở khách và chở hàng.

Còn tại Mỹ, nắng nóng đã buộc dịch vụ tàu chở khách Amtrak phải áp đặt các biện pháp hạn chế tốc độ tại tuyến Hành lang Đông Bắc giữa New York và Philadelphia hồi đầu tháng này.

“Hầu hết cơ sở hạ tầng của Mỹ được xây dựng theo các tiêu chuẩn nhiệt độ kỷ lục từ giữa thế kỷ 20”, Costa Samaras, trợ lý giám đốc phụ trách mảng năng lượng tại Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ của Nhà Trắng cho biết “đó không phải là khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt vào thời điểm hiện tại”.

Một nghiên cứu từ năm 2017 của Tạp chí Chính sách giao thông cho biết, sự chậm trễ đối với hoạt động vận tải đường sắt, cả chở khách và chở hàng, do thời tiết nắng nóng, có thể gây thiệt hại kinh tế từ 25-60 tỷ đôla.

Tại lục địa châu Âu, mực nước sông Rhine, tuyến đường thủy nội địa quan trọng liên kết các trung tâm công nghiệp hàng đầu tại Thụy Sỹ, Đức và Đan Mạch đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1970, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên chở nhiều loại hàng hóa, từ than đá, hóa chất cho tới ngũ cốc.

Theo dữ liệu từ Viện Thủy văn Liên bang Đức, lưu lượng nước đo được tại Kaub, phía tây Frankfurt, chỉ đạt 45% mức trung bình của thời điểm này hàng năm. Mức nước được dự báo sẽ không hồi phục cho đến tận cuối tháng 8-2022, và khiến các tàu vận tải thường xuyên gặp khó khăn trong việc di chuyển.

Mối đe dọa đối với nguồn cung năng lượng

Việc mực nước sông Rhine xuống thấp đang đe dọa nghiêm trọng tới hoạt động vận chuyển than đá – mặt hàng mà nước Đức đang có nhu cầu rất cao để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt. Sản lượng thủy điện ở châu Âu dự kiến cũng sẽ bị ảnh hưởng khi mực nước sông tại nhiều quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Ý đều đang xuống thấp.

Bên cạnh đó, nhiệt độ nước ấm hơn cũng gây khó khăn cho hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, vốn dựa vào các con sông để làm mát hệ thống.

Tình hình càng trở nên bi đát hơn nữa với các nhà máy điện khi giá khí đốt trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao do cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, các nhà máy điện tại châu Âu còn phải đối mặt với áp lực lớn khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Một nghiên cứu về tác động biến đổi khí hậu ở châu Âu đã chỉ ra rằng, với mỗi ngày nhiệt độ ở trên mức 32 độ C, mức sử dụng năng lượng hàng năm của một hộ gia đình sẽ tăng khoảng 0,4%.

“Mọi thứ đang rất lộn xộn”, ông Marco Alvera, nguyên giám đốc điều hành của công ty cơ sở hạ tầng năng lượng Snam của Ý cho biết. Ông Alvera lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ điện cao trong mùa hè này, có thể làm giảm nguồn dự trữ năng lượng vốn đang được các nước châu Âu để dành cho mùa đông tới, trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt đứt.

Khó khăn tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, nơi các hóa đơn tiền điện được dự báo tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức trung bình là 540 đô-la trong mùa hè này, theo báo cáo của Hiệp hội Giám đốc Năng lượng Quốc gia Mỹ.

Trong trường hợp xảy ra mất điện trên diện rộng, thực phẩm tồn kho và nhiều hàng hóa khác sẽ có nguy cơ bị hỏng, buộc các doanh nghiệp phải chạy máy phát điện hoặc tạm ngừng hoạt động, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Hồi năm 2019, tình trạng mất điện tại bang California đã gây tổn thất kinh tế khoảng 10 tỷ đô-la.

Sản lượng kinh tế suy giảm

Theo Trung tâm Ứng phó Adrienne Arsht Rockefeller – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington D.C, tổn thất do nắng nóng gây ra cho năng suất của người lao động Mỹ ước tính đạt 100 tỷ đô-la/năm. Khi những ngày nắng nóng khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, dự kiến tổn thất có thể tăng gấp đôi lên 200 tỷ đô-la vào năm 2030 – tương đương 0,5% tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế Mỹ.

Cũng theo báo cáo này, các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng nắng nóng khắc nghiệt là xây dựng và nông nghiệp – nơi người lao động phải tiếp xúc với thời tiết nhiều nhất. Đến năm 2050, ngành xây dựng Mỹ được dự báo sẽ mất 3,5% tổng sản lượng kinh tế, tương đương 1,2 tỉ đô la/năm trong khi ngành nông nghiệp thiệt hại 3,7% sản lượng, tương đương 131 triệu đô la/năm. Bên cạnh đó, nhiệt độ mùa hè cao hơn cũng làm giảm năng suất tại những ngành mà người lao động thường làm việc trong nhà như bán lẻ, dịch vụ và tài chính.

Còn tại châu Âu, trong giai đoạn từ năm 1980-2020, các quốc gia trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) đã thiệt hại từ 450 tỉ euro (460 tỉ đô la) đến 520 tỉ euro (532 tỉ đô la) do các sự kiện liên quan đến thời tiết và khí hậu. Khoản chi phí tài chính này được dự báo có thể tăng lên trong những năm tới.

Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng ING (Hà Lan) đánh giá thời tiết nắng nóng sẽ là một nguyên nhân đẩy nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái, bên cạnh hàng loạt yếu tố khác, từ mức lạm phát cao kỷ lục, cuộc xung đột Nga – Ukraine, sự suy yếu của đồng euro cho tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý. “Nắng nóng càng làm gia tăng thêm những lo ngại”, ông Brzeski đánh giá.

Mực nước thấp tại sông Rhine có thể đè nặng lên lĩnh vực sản xuất cực kỳ quan trọng của Đức, tương tự như những gì đã xảy ra hồi năm 2018. Theo chuyên gia Cedric Gemehl tại Viện nghiên cứu Gavekal, sự sụt giảm mực nước vào thời điểm đó mặc dù chưa nghiêm trọng như hiện nay, đã đủ để khiến sản lượng dược phẩm và hóa chất của Đức giảm 15% trong nửa cuối năm. Các nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel cũng cho biết, nếu tình trạng mực nước thấp kéo dài trong một tháng 30 ngày, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm khoảng 1%.

Đây sẽ là tín hiệu tiêu cực cho nền kinh tế châu Âu trong bối cảnh các số liệu vừa được S&P Global công bố cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ mức 52 trong tháng 6 xuống 49,4 trong tháng 7. Con số này thấp dưới ngưỡng 50, đồng nghĩa với việc hoạt động kinh tế bị thu hẹp. Chuyên gia kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global dự báo kinh tế Eurozone sẽ tiếp tục đối mặt với khả năng thu hẹp trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, trước khi bước vào giai đoạn khó khăn hơn nữa trong mùa đông.

Nắng nóng cũng đang ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp của khu vực. Tại miền Bắc Ý, người nông dân đang phải vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua khi mực nước sông Po giảm xuống mức thấp kỷ lục. Con sông này chảy qua khu vực đồng bằng quan trọng, sản xuất tới 30% sản lượng lương thực của Ý, với hàng loạt sản phẩm từ đậu tương cho đến pho mát parmesan. Các nhà chức trách tại khu vực Lombardy cho biết, 70% diện tích cây trồng tại đồng bằng sông Po đã bị thiệt hại, và nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp có thể cạn kiệt vào cuối tháng này.

Làm phức tạp bài toán kiểm soát lạm phát

Việc sản lượng kinh tế giảm mạnh do nắng nóng sẽ làm phức tạp bài toán kiểm soát lạm phát tại cả Mỹ và châu Âu – những nền kinh tế vốn đang phải chật vật ứng phó với giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao. Lạm phát tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái – mức cao nhất mọi thời đại, trong khi lạm phát tại Mỹ cũng tăng 9,1% – mức tăng nhanh nhất trong vòng hơn 40 năm qua.

Tom Burke, nhà đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu E3G, cảnh báo thời tiết khắc nghiệt sẽ có tác động đến hoạt động du lịch tại các khu vực có thời tiết ấm hơn, đồng thời khiến chi phí sinh hoạt gia tăng. “Điều này sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà nền kinh tế phải đối mặt”.

Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phải tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên trong 11 năm, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang đẩy nhanh tốc độ nâng lãi suất hơn nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại năng lực hành động của Fed và ECB có thể sẽ bị hạn chế đáng kể, nếu nắng nóng tiếp tục làm suy yếu các nền kinh tế, từ đó ngăn cản các nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nguồn: CBS News, Bloomberg, CNN Business, Channel News Asia, ABC News, Washington Post

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nang-nong-lam-tang-them-moi-lo-suy-thoai-kinh-te/