Nắng nóng kéo dài ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang trong đợt nắng nóng kéo dài. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt nắng nóng sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Nắng nóng sẽ còn kéo dài trong những ngày tới. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nắng nóng sẽ còn kéo dài trong những ngày tới. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nắng nóng còn kéo dài trong nhiều ngày tới

Miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang trong đợt nắng nóng kéo dài. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đợt nắng nóng sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Ngày 9/7, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 40-55%.

Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ. Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt và có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió phát triển đến mực 5.000 m nên trong chiều tối và đêm ngày 9/7 ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa 20-40 mm/12h, có nơi trên 50 mm/12h). Còn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, kể từ ngày 9 đến 18/7, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngày 9/7, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế ra đường hoặc có các biện pháp phòng, chống nắng hữu hiệu.

Người lao động mưu sinh trong nắng nóng. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nguy cơ bão “chồng” bão, lũ kép dị thường

Năm 2020 được nhận định là một năm bất thường của thiên tai không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai. Xâm nhập mặn, dông lốc, mưa đá đã gây ra những thiệt hại lớn về người và của.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020 trên cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai: 188 trận dông, lốc, mưa lớn trên 43 tỉnh/TP; 1 cơn bão trên biển Đông; 3 trận lũ quét, sạt lở đất; 21 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…đã làm 48 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 3.388 tỷ đồng.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; lũ trên các sông từ báo động 2 đến báo động 3 và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc. Nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế cho thấy sau hạn hán kỷ lục sẽ là mưa lũ đặc biệt lớn như đã xảy ra trong lịch sử”.

Trước những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan và bất thường, ngay từ bây giờ Việt Nam đã phải lên các phương án để có thể chuẩn bị cho tình huống thiên tai và dịch bệnh xảy ra đồng thời, bởi những dự báo mới nhất cho thấy từ giờ đến cuối năm thiên tai sẽ còn nhiều diễn biến bất thường. Ứng phó với thiên tai không gì tốt hơn sự chủ động, nâng cao khả năng ứng phó là cách tốt nhất để mọi gia đình được bảo vệ trước thiên tai khốc liệt có thể đến bất cứ lúc nào trong 6 tháng cuối năm

K.Vy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nang-nong-keo-dai-o-bac-bo-va-bac-trung-bo-490586.html