Nắng nóng kéo dài, bệnh viện ở Sài Gòn đông nghịt

7h sáng, khu khám bệnh của nhiều viện lớn ở TP.HCM đã đông nghịt người chờ đến lượt. Đa số bệnh nhân phải vào viện là trẻ em và người già.

Thời tiết tại Sài Gòn đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm, trung bình từ 35-37 độ C, chỉ số tia cực tím dao động mức nguy hiểm. Đây cũng là thời điểm giao mùa khiến nhiều người đổ bệnh, đặc biệt là trẻ em. Tại TP.HCM, những ngày gần đây, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện do các bệnh mùa nắng nóng tiếp tục tăng mạnh khiến bệnh viện luôn trong trạng thái đông nghẹt. Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 11.000 lượt bệnh nhi đến khám.

Thời tiết tại Sài Gòn đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm, trung bình từ 35-37 độ C, chỉ số tia cực tím dao động mức nguy hiểm. Đây cũng là thời điểm giao mùa khiến nhiều người đổ bệnh, đặc biệt là trẻ em. Tại TP.HCM, những ngày gần đây, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện do các bệnh mùa nắng nóng tiếp tục tăng mạnh khiến bệnh viện luôn trong trạng thái đông nghẹt. Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 11.000 lượt bệnh nhi đến khám.

Trong tuần giữa tháng 4, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám, 7% trong số này phải nhập viện nội trú.

Tại bệnh viện, số lượt bệnh nhi khám chữa bệnh về đường hô hấp chiếm số lượng cao nhất. Trong khi đó, tay chân miệng tăng 47%, các bệnh tiêu hóa tăng từ gần 15% so với tháng trước. Nhiều trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi...

Gần trưa, khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn rất đông người chờ tới lượt khám. Vừa ôm đứa con nhỏ đang gục trên vai, chị L.T.T. (40 tuổi, ngụ tại quận 1, TP.HCM) than thở: “Không hiểu vì sao TP.HCM càng ngày càng nóng bức. Sau đợt nóng trước con tôi vừa khỏi bệnh thì mới hôm qua lại khò khè, nôn ói và tiêu chảy nhiều. Trời nóng thế này người lớn mình còn chịu không được, hỏi sao mấy đứa trẻ nhỏ lúc nào cũng khó chịu, bệnh tật”.

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết số bệnh nhi đến khám trong tuần tăng khoảng 5% so với 3-4 tuần trước.

Lý giải về điều này, bác sĩ Hoàng cho hay, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh trong thời tiết nắng nóng do bị thiếu nước, rối loạn điện giải. Ngoài ra, thời tiết oi bức và tác động của tia cực tím cũng khiến sức đề kháng của trẻ giảm.

“Các bệnh này nếu phát hiện sớm thì dễ điều trị, nhưng nếu chủ quan, hoặc tự mua thuốc cho trẻ uống không theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh có thể diễn tiến nặng”, bác sĩ Hoàng cảnh báo.

Trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh lý về tiêu hóa gia tăng như tiêu đàm máu, tiêu chảy cấp, viêm ruột. Bên cạnh đó, các bệnh lý về da như nhiễm trùng da, viêm da, rôm sảy cũng tăng nhẹ.

7h sáng tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám tăng mạnh. Đa số bệnh nhân thường mắc các bệnh lý như cảm cúm, mệt mỏi, viêm xoang, viêm mũi, khó ngủ,… Hiện số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám về bệnh huyết áp và rối loạn giấc ngủ tăng 15%, các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp, da liễu cũng tăng từ 7-10% lượt bệnh nhân đến khám.

Để được khám sớm, nhiều người phải đến viện từ 6h. Nắng nóng kéo dài khiến số lượng bệnh nhân đến khám ở đây đông bất thường. Theo bác sĩ Hoàng Mạnh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, người già thường ít có cảm giác khát nước nên không nhớ để bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể. Tiêu thụ không đủ nước có thể khiến rối loạn điện giải, làm tụt huyết áp ở người lớn tuổi. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, đặc biệt là những người có sẵn nền bệnh tăng huyết áp, tim mạch.

Bác sĩ Mạnh khuyến cáo người già cần hạn chế đi lại và làm việc vào những giờ cao điểm nắng nóng, nhất là những người mắc có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp. Ngoài ra, người lớn tuổi cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của các y bác sĩ. Đối với những người hút thuốc, cần hạn chế lại và chủ động theo dõi huyết áp thường xuyên.

Lưu ý, trong những ngày nắng nóng, người dân không nên lạm dụng việc tắm mát, chuyển đổi môi trường đột ngột dễ ảnh hưởng đến huyết áp. Đồng thời, chúng ta cần bổ sung vitamin, chất xơ từ trái cây, chăm sóc sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ cho cả người lớn và trẻ nhỏ để phòng bệnh.

Hoàng Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nang-nong-keo-dai-benh-vien-o-sai-gon-dong-nghit-post939602.html